Tiền Giang:
Đi làm lại sau giãn cách, công nhân ngóng hỗ trợ tiền nhà
(Dân trí) - Thời gian nghỉ việc để phòng chống dịch đã khiến nhiều công nhân phải tiêu hết khoản tích lũy. Nhiều người đang trông chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ để sớm ổn định cuộc sống.
Năm 2021, Tiền Giang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Nhiều hoạt động kinh tế, sản xuất của tỉnh đã bị đình trệ trong gần 4 tháng giãn cách xã hội để phòng chống dịch.
Cụm công nghiệp Trung An (TP Mỹ Tho, Tiền Giang) là một trong những khu vực tập trung sản xuất công nghiệp lớn ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở đây không chỉ có các lao động địa phương mà còn thu hút cả lao động ở miền Trung, Tây Nguyên, thậm chí ở cả miền Bắc đến làm việc.
Thời gian giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều công nhân tiêu đã tiêu hết số tiền tích lũy. Một số đôi vợ chồng đều là công nhân còn nuôi con nhỏ còn rơi vào nợ nần. Sau Tết Nguyên đán, nhiều công nhân quay lại làm việc nhưng lâm vào cảnh khó khăn.
Ông Huỳnh Hữu Trung (62 tuổi), người quản lý một khu phòng trọ lớn ở Cụm công nghiệp Trung An cho biết, từ sau giãn cách xã hội, chỉ có khoảng 2/3 số công nhân quay trở lại làm việc. Tình trạng nhà trọ trống phòng diễn ra nhiều, thậm chí nhiều khu trọ trống đến một nửa số phòng. Trước đây ít người chọn thuê phòng trọ chất lượng thấp có giá dưới 500.000 đồng/tháng, nhưng hiện những phòng cũ nát giá khoảng 300.000 đồng/tháng cũng có người thuê hết.
"Công nhân không có nhiều tích lũy, sau 4 tháng nghỉ giãn cách khiến nhiều người khi quay lại làm việc không đóng nổi tiền trọ và xin khất lần. Phòng trọ trong vùng hiện có giá từ khoảng 500.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng/tháng. Nếu công nhân được Chính phủ hỗ trợ thì rất tốt vì hiện tại mọi người đang rất khó khăn...", ông Trung chia sẻ.
Qua trao đổi với nhiều công nhân trong cụm công nghiệp, mức lương phổ biến của người lao động nơi đây từ 5-7 triệu đồng/tháng. Ngoài các chi phí ăn ở, đi lại, nuôi con, hầu hết mọi người còn phải gửi một khoản về quê giúp đỡ gia đình. Có những công nhân đã đi làm hơn 10 năm nhưng không tích lũy được nhiều, sau đợt dịch thì hết sạch.
Anh Nguyễn Văn Trí (52 tuổi) đã đi làm công nhân chế biến thực phẩm được hơn 10 năm. Dù có thâm niên nhưng mức lương của anh chỉ hơn 6.000.000 đồng/tháng. Sau khi trừ hết chi phí sinh hoạt, dư được một khoản, anh gửi hết về cho cha mẹ.
"Đợt nghỉ giãn cách 4 tháng nhưng tiền nhà trọ vẫn phải đóng đều. Giờ đi làm lại rất khó khăn nên phải xin chủ trọ cho chậm tiền thuê đến khi lĩnh lương mới trả được. Nếu được hỗ trợ thì rất mừng", anh Trí nói.
Vợ chồng anh Trần Văn Tân (33 tuổi) từ Bến Tre sang Tiền Giang làm công nhân đã 8 năm. Mỗi tháng, tiền lương của vợ chồng anh Tân được hơn 11 triệu đồng. Do anh chị đang nuôi 2 con nhỏ nên số tiền trên cũng chỉ vừa đủ xoay xở. Đi làm lại sau Tết, vợ chồng anh không kham nổi cả 2 đứa con nên đành phải gửi con lớn ở nhà nhờ ông bà nội trông hộ.
"Khó khăn lắm chứ, gần như đã hết sạch tiền. Giờ mọi chi phí đều cứ gối tháng này sang tháng khác, phải nợ tới đợt nhận lương tiếp sau để thanh toán. Tôi rất mong được hỗ trợ cho bớt đi khó khăn phần nào", anh Tân chia sẻ.
Theo chị Huỳnh Thị Thủy Tiên, chủ một khu trọ, nhiều công nhân còn nợ tới 7 tháng tiền trọ. Bất đắc dĩ, chị phải miễn phí mấy tháng tiền ở và chỉ thu điện nước. Việc công nhân khó khăn kéo theo những người cho thuê trọ như chị Tiên cũng thiếu tiền xoay xở. Do vậy, ai cũng mong sớm nhận được hỗ trợ kịp thời để ổn định cuộc sống.