Đi bán vé số, nữ thương binh chắt chiu từng đồng để "thay áo" cho đồng đội
(Dân trí) - Vì lời hứa với đồng đội mà suốt 13 năm, bà Đặng Thị Bảy (76 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) không ngại nắng mưa đi bán vé số, tích góp từng đồng để cùng chính quyền xã làm đẹp mộ của các liệt sĩ.
Tham gia cách mạng khi còn 13 tuổi
Cuối giờ sáng ngày 30/4, bà Đặng Thị Bảy tranh thủ bán nốt xấp vé số rồi di chuyển về Nghĩa trang liệt sĩ Long Hưng A (xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) để dọn dẹp mộ phần cho đồng đội đã khuất.
Trò chuyện với PV, bà Bảy cho biết gia đình có 8 anh chị em, nhà không ruộng đất, cuộc sống khó khăn. Nhưng với truyền thống gia đình cách mạng, lại sống trong vùng chiến tranh ác liệt, gia đình bà đã một lòng theo cách mạng.
Năm 1958, vừa tròn 13 tuổi, cô gái Đặng Thị Bảy xin đứng vào hàng ngũ cách mạng. Đến năm 1964, bà được tổ chức cho đi học khóa y sĩ để phục vụ trong quân đội. Năm 1965, bà vinh dự được kết nạp vào Đảng.
"Trong buổi lễ kết nạp, tôi và các đảng viên mới hứa với nhau, đến ngày thống nhất đất nước, ai còn sống thì lo mộ cho người hy sinh", cựu chiến binh 76 tuổi nhớ lại.
Năm 1968, trên đường đi công tác, bà Bảy không may bị thương ở vùng đầu gây liệt nửa thân người. Không thể trực tiếp cùng đồng đội tham gia chiến đấu, bà được tổ chức phân công ở tuyến sau làm nhiệm vụ tiếp tế quân y và y tá cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Trong những năm 1975-1979, bà Bảy làm Trưởng ban Y tế xã Long Hưng, sau đó nghỉ công tác do vết thương tái phát.
Giữ trọn lời hứa với đồng đội
Hòa bình lập lại nhưng lời hứa "Đến ngày thống nhất đất nước, ai còn sống thì lo mộ cho người hy sinh" như vẫn luôn bên tai bà Bảy. Nghĩ là làm, bà quyết định bán vé số dành dụm tiền cùng góp với chính quyền địa phương tu sửa nghĩa trang cho đồng đội đã khuất.
"Việc đã hứa với anh em trong đơn vị tôi phải thực hiện đến cùng. Đơn vị 145 người nhưng chỉ duy nhất tôi là người sống sót. Công việc hậu sự của các anh, các chị tôi phải lo lắng đến cùng", bà Bảy tâm sự.
Năm 2010, biết tin UBND xã Long Hưng A sửa lại nghĩa trang liệt sĩ, bà đã mang 72 triệu đồng tích cóp sau gần 13 năm đi bán vé số để đóng góp tiền xây mộ đồng đội.
Thời điểm đó, lãnh đạo xã thuyết phục bà Bảy giữ lại số tiền để dưỡng già. Vì bà bị thương tật, hoàn cảnh kinh tế gia đình không khá giả. Tuy nhiên, bà Bảy nhất quyết xin được đóng góp phần sức nhỏ vì muốn giữ trọn lời hứa năm xưa.
Cảm động trước tấm lòng cao cả của bà Bảy đối với đồng đội, đại diện UBND xã đồng ý nhận số tiền để sử dụng vào việc ốp gạch men, làm mộ bia cho toàn bộ 144 ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Long Hưng A.
Giờ đây ở tuổi 76, bà bị liệt nửa người, bàn tay phải co quắp, chân di chuyển khó khăn nhưng vẫn đi bộ hơn 1km để bán vé số. Trung bình mỗi ngày, bà bán được 300 tờ vé số và số tiền lời được khoảng 300.000 đồng. Sau khi bán vé số xong, bà đến Nghĩa trang dọn dẹp, chăm sóc mộ phần của đồng đội.
Trao đổi với PV, bà Bùi Thị Thúy Lan - Chủ tịch UBND xã Long Hưng A - cho biết: "Bà Đặng Thị Bảy là tấm gương thương binh chịu khó, xứng đáng để mọi người noi theo. Mặc dù còn nhiều thương tật nhưng bà Bảy vẫn tiết kiệm tiền, tự nguyện đóng góp xây mộ, sửa chữa nghĩa trang liệt sĩ để thực hiện đúng lời hứa với đồng đội đã hy sinh".
Chủ tịch UBND xã xác nhận việc bà Bảy thường xuyên tới Nghĩa trang để dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ, trồng hoa, quét sân, thắp hương cho đồng đội.
"Do bà Bảy là thương binh hạng 1/4 nên hàng tháng đều được chính sách Nhà nước hỗ trợ số tiền hơn 6 triệu đồng, cộng thêm việc có con cái chăm sóc nên cuộc sống hiện tại của bà tạm ổn" - bà Bùi Thị Thúy Lan nói.
Khi lời hứa với đồng đội đã hoàn thành, các ngôi mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Hưng A đã được khoác lên một "lớp áo" màu xanh ngọc bích tươi đẹp, sạch sẽ.
Những bà Bảy vẫn chưa nguôi nỗi niềm trăn trở về việc chăm sóc mộ phần của đồng đội. Dù tuổi cao, cơ thể thương tật, nhưng bà vẫn đều đặn cuốc bộ khắp nơi bán vé số. Bà tích cóp số tiền lời ít ỏi để dành lo nhang khói cho đồng đội.
Nhiều người khuyên bà Bảy nghỉ bán vé số cho bớt cực nhọc. Nghe vậy, bà luôn lạc quan nói: "Còn sức khỏe thì tôi vẫn còn lao động chứ nghỉ ở nhà thì buồn lắm!".