1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Đề xuất chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ.

Ngày 16/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 43/2013/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dạy nghề đã thay đổi: được mở rộng sau khi tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ; Luật giáo dục nghề nghiệp đã quy định nhiều nội dung đổi mới…

Do đó, việc xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 43/2013/QĐ-TTg là rất cần thiết nhằm giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại; đảm bảo phù hợp với Luật giáo dục nghề nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, hiệu quả.

Theo dự thảo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp là tổ chức thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và tổ chức thực thi pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong phạm vi cả nước. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có tư cách pháp nhân, con dấu hình Quốc huy, là đơn vị dự toán ngân sách cấp II, có tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước và trụ sở tại thành phố Hà Nội.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục như sau: Giúp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu và các đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, quản lý danh mục ngành, nghề đào tạo; danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, khó tuyển sinh; ngành, nghề được phép liên kết đào tạo với nước ngoài; danh mục dịch vụ sự nghiệp công; quản lý học sinh, sinh viên Việt Nam đi học tập nghề nghiệp ở nước ngoài và học sinh, sinh viên là người nước ngoài học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam; quản lý khung trình độ kỹ năng nghề quốc gia và hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia…

Cơ cấu, tổ chức

Dự thảo nêu rõ, cơ cấu, tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp được kế thừa, giữ nguyên như Tổng cục Dạy nghề; thực hiện tiếp nhận, kiện toàn, bổ sung 01 đơn vị mới (là Vụ Đào tạo trung cấp) và đổi tên, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cụ thể, 13 đơn vị gồm: Vụ Đào tạo cao đẳng; Vụ Đào tạo trung cấp; Vụ Đào tạo sơ cấp và thường xuyên; Vụ Nhà giáo và Cán bộ quản lý; Vụ Cơ sở vật chất và thiết bị; Vụ Công tác học sinh, sinh viên; Vụ Kỹ năng nghề; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Pháp chế - Thanh tra; Văn phòng; Cục Kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp; Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có Tổng Cục trưởng và không quá 04 Phó Tổng Cục trưởng. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, cho từ chức, đình chỉ công tác Tổng Cục trưởng sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Các Phó Tổng Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển và cách chức theo quy định của pháp luật.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Theo Chinhphu.vn