Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi:
Đẩy mạnh hỗ trợ người lao động ngưng việc, mất việc
(Dân trí) - "Tỉnh Cà Mau cần linh hoạt quan tâm giải quyết chính sách hỗ trợ người lao động tại hơn 4.000 doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thủy, hải sản", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi kiến nghị.
Thực hiện sự phân công của Bộ LĐ-TB&XH, kế hoạch công tác của Tổ công tác đặc biệt của Chính Phủ, ngày 8/9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại các tỉnh thành phía Nam cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với tỉnh Cà Mau để kiểm tra công tác phòng, chống dịch và đôn đốc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23.
Tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Quân - Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: "Từ 27/4 đến nay toàn tỉnh có 197 ca mắc Covid-19. Trong đó 89 ca đã khỏi bệnh, 114 ca đang điều trị, 908 người đang cách ly tập trung".
Dù số ca mắc mới mỗi ngày không nhiều nhưng công tác phòng, chống dịch vẫn được triển khai quyết liệt. "Tỉnh thành lập 108 chốt kiểm soát với 3 vòng khép kín để kiểm soát người vào tỉnh. 4 bệnh viện với quy mô 550 giường cũng được thành lập", ông Trần Hồng Quân thông tin.
Tỉnh Cà Mau cũng đã đồng bộ triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an sinh cho người dân. Tuy vậy, việc triển khai Nghị quyết 68, Quyết định 23 còn gặp nhiều khó khăn do một số khu vực bị phong tỏa, số lượng lao động tự do đông.
Sau khi nắm tình hình tại phường 4, thành phố Cà Mau, Thứ trưởng đánh giá cao hiệu quả Cà Mau đã đạt được trong công tác phòng chống dịch.
Đây là kết quả nổi bật và quan trọng nhất hiện nay để sớm đưa người dân trở lại cuộc sống bình thường. Thành quả trên là kết quả của sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và người dân toàn tỉnh Cà Mau.
Về việc triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23 của Chính phủ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhận định Cà Mau đã triển khai khá cơ bản và đồng bộ các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động.
Việc tỉnh lên kế hoạch chi hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ nhóm lao động tự do là một việc làm ý nghĩa, thiết thực. Tỉnh cũng đã vận động được nhiều người dân, doanh nghiệp tham gia vào việc đảm bảo an sinh trên địa bàn với tổng kinh phí trên 33 tỷ đồng và nhiều nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.
"Tỉnh nên xem xét, linh hoạt quan tâm giải quyết chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng là người lao động tự do, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động tại hơn 4.000 doanh nghiệp siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thủy, hải sản trong tổng số gần 100.000 lao động bị ngưng việc, mất việc, giảm sâu thu nhập và có giải pháp tiếp tục hỗ trợ khi họ gặp khó khăn", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị.
Theo Thứ trưởng, Cà Mau cần thường xuyên rà soát nhóm người lao động làm việc tại các doanh nghiệp thủy, hải sản bị mất việc. Nên sớm hỗ trợ mỗi người 15 kg gạo và có phương án hỗ trợ tiền mặt khi họ quá khó khăn.
"Bên cạnh đó, Cà Mau cần đẩy mạnh hơn nữa chính sách hỗ trợ tạm dừng đóng bảo hiểm vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương. Để triển khai thực hiện, tỉnh nên sớm tổ chức đối thoại bằng hình thức trực tuyến với hơn 1.000 doanh nghiệp trên địa bàn đang tham gia đóng Bảo hiểm xã hội để bàn cách tháo gỡ. Xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo lao động cho các doanh nghiệp khi họ tái cơ cấu", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nêu giải pháp.
Cũng theo thứ trưởng, thời gian tới, Cà Mau cần đẩy mạnh tiêm vắc xin, truy vết F0, thường xuyên kiểm tra công tác an sinh xã hội. Thay đổi hình thức chi trả bằng hình thức không thanh toán tiền mặt (kể cả việc chi trả các chính sách hàng tháng) để việc hỗ trợ được công khai, minh bạch, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Tổ công tác sẽ báo cáo những kết quả mà tỉnh Cà Mau đạt được với lãnh đạo Bộ và Chính phủ. Những kiến nghị của tỉnh về đảm bảo an sinh, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan xem xét, giải quyết.
Tỉnh Cà Mau đã hoàn thành việc hỗ trợ hơn 11.000 người dân, người lao động gặp khó khăn với kinh phí hơn 18 tỷ đồng theo Nghị quyết 68. Đến nay, tỉnh đã hỗ trợ được hơn 45.000 người với số tiền hơn 27 tỷ đồng trong tổng số 85.000 đối tượng được rà soát với tổng kinh phí khoảng gần 100 tỷ đồng.