Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi: Nên sớm hỗ trợ người lao động về quê giãn cách
(Dân trí) - Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị tỉnh Hậu Giang quan tâm sớm giải quyết hỗ trợ với 10.000 lao động từ TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê thực hiện giãn cách do bị ngưng việc, mất việc.
Thực hiện sự phân công của Bộ LĐ-TB&XH, ngày 4/9, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Hồi - Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ tại các tỉnh thành phía Nam - cùng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Hậu Giang để kiểm tra công tác phòng, chống dịch và đôn đốc thực hiện Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23.
Trước khi làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang, Tổ công tác đã trực tiếp đến một số hộ dân tại TP Vị Thanh để kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Cùng với đó, Thứ trưởng cũng thăm hỏi người dân về đời sống và công tác hỗ trợ an sinh của chính quyền thời gian qua.
Tại buổi làm việc, trao đổi với Tổ công tác, bà Hồ Thu Ánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thông tin về công tác phòng chống dịch đang được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Công tác triển khai hỗ trợ người dân cũng từng bước được hoàn thiện, đời sống người dân ngày càng được đảm bảo.
"Toàn tỉnh chỉ còn 104 ca mắc Covid-19 đang điều trị. Qua 12 ngày, Hậu Giang không có ca mắc ngoài cộng đồng. Những ca nhiễm gần đây đều là người địa phương khác đến. Tuy vậy, công tác chống dịch vẫn không được chủ quan", bà Hồ Thu Ánh thông tin.
Sau khi nghe báo cáo và ý kiến từ các Sở, ngành cùng cán bộ Tổ công tác, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao công tác phòng chống, dịch, đảm bảo an sinh tại tỉnh Hậu Giang. Đây thực sự là một điểm sáng về công tác phòng, chống dịch, thành quả này cần phải duy trì và giữ vững.
"Hậu Giang phải tiếp tục siết chặt cách ly, giãn cách. Đẩy mạnh tiêm chủng để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, chuẩn bị tốt công tác phòng, chống dịch để sớm mở cửa trở lại. Nếu làm không tốt khi dịch bùng phát rộng sẽ tốn nhiều sức lực, vật chất, thời gian, thậm chí cả sinh mạng của nhân dân", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi đề nghị.
Thứ trưởng nhận định công tác chỉ đạo tại Hậu Giang đang triển khai rất thiết thực, có sự đồng bộ giữa các cấp. Đồng thời, việc huy động sức dân hỗ trợ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn đã phát huy hiệu quả.
Đặc biệt, đời sống người dân khi giãn cách vẫn được đảm bảo, các gói hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 68, Quyết định 23 cũng được đẩy nhanh.
"Khi đi kiểm tra, Tổ công tác ghi nhận đời sống hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách vẫn được đảm bảo. Nhiều lao động từ các tỉnh thành trở về quê hương giãn cách nhiều tháng vẫn được chăm lo, không ai phải thiếu, đói", Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết.
Thứ trưởng đề nghị Hậu Giang cần quan tâm, rà soát và sớm chi hỗ trợ đối với 10.000 lao động từ TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương về quê giãn cách do bị mất việc, ngưng việc.
"10.000 lao động với kinh phí khoảng 15 tỷ đồng cần phải triển khai ngay. Người dân về quê đã 2, 3 tháng nay rồi. Dù có nơi ăn, chốn ở, lương thực được đảm bảo ở quê nhưng vẫn cần tiền để chi tiêu. Do vậy, cần chi sớm để người dân an tâm ở nhà", Thứ trưởng kiến nghị.
Cùng với đó, tỉnh cũng cần quan tâm đến chính sách cho doanh nghiệp vay trả lương, hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động. Đặc biệt, đẩy mạnh hỗ trợ tạm ngưng đóng bảo hiểm xã hội để giúp doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất. Tiếp tục đảm bảo tốt công tác phòng chống, dịch tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội, các cơ sở cai nghiện.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, Tổ công tác sẽ báo cáo những kết quả mà tỉnh Hậu Giang đạt được với Tổ công tác của Chính phủ. Những kiến nghị của tỉnh về đảm bảo an sinh, Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan xem xét, giải quyết.
Đến ngày 4/9, Hậu Giang đã giải quyết hỗ trợ cho 10 nhóm chính sách theo Nghị quyết 68 với 937 doanh nghiệp/hộ kinh doanh, hơn 72.000 người với số tiền hơn 61 tỷ đồng.
Trong đó, hỗ trợ giảm đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 619 doanh nghiệp với hơn 40.000 lao động số tiền hơn 11 tỷ đồng. Hỗ trợ 1.200 người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế số tiền 1,8 tỷ đồng. Hỗ trợ 290 hộ kinh doanh số tiền 870 triệu đồng; phê duyệt hỗ trợ hơn 30.000 lao động tự do số tiền 45 tỷ đồng.