Dành 2.400 tỷ đồng lo Tết Nguyên đán 2022 cho 8 triệu lao động khó khăn
(Dân trí) - "Chương trình "Tết Sum vầy - Xuân Bình an" năm 2022, 8 triệu lao động đóng bảo hiểm xã hội, có đóng phí công đoàn, cán bộ, công chức gặp khó khăn được thăm hỏi".
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) vừa ban hành kế hoạch "Tết Sum vầy - Xuân Bình an" nhằm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần - 2022.
Mục đích nhằm tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiết thực đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn và người lao động, đặc biệt là đoàn viên công đoàn và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ; đảm bảo đoàn viên công đoàn và người lao động đón Tết vui tươi, ấm no, hạnh phúc.
Về nguồn lực, bên cạnh nguồn tài chính công đoàn, Tổng LĐLĐ VN vận động các tổ chức, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, đặc biệt là người sử dụng lao động trực tiếp ủng hộ các nguồn lực để tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiết thực cho đoàn viên công đoàn và người lao động.
Theo kế hoạch, chương trình dự kiến hướng tới người lao động có đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300 nghìn đồng/người.
Với khoảng 8 triệu đoàn viên công đoàn và người lao động được hỗ trợ, Tổng LĐLĐ VN dự kiến tổng nguồn kinh phí sẽ vào khoảng 2.400 tỷ đồng.
Đối với trường hợp đoàn viên, người lao động tại đơn vị hành chính và sự nghiệp công lập, Tổng LĐLĐ VN đề nghị công đoàn cơ sở chủ động cân đối nguồn tài chính để chăm lo, thăm hỏi.
Về hình thức triển khai, Tổng LĐLĐ VN chủ trương tổ chức thăm, tặng quà, động viên, chúc Tết đoàn viên công đoàn và người lao động với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng LĐLĐ VN, các ban, bộ, ngành trung ương và lãnh đạo địa phương. Quan tâm đặc biệt tới đoàn viên công đoàn và người lao động phải ở trong các khu cách ly, phong tỏa, mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà hoặc các cơ sở y tế; đoàn viên công đoàn và người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo…
Bên cạnh đó, công tác tổ chức Chương trình "Tết sum vầy - Xuân Bình an" cũng được chú trọng tập trung ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở (khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cấp trên trực tiếp cơ sở), tại các doanh nghiệp, ở nơi có đông đoàn viên công đoàn và người lao động phù hợp với tình hình thực tế.
Các cấp công đoàn tổ chức phương tiện đưa đón hoặc hỗ trợ toàn bộ, một phần vé tàu, xe, máy bay, phương tiện để đưa đoàn viên công đoàn và người lao động có nhu cầu và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo đúng qui định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quê ăn Tết, quay trở lại làm việc đảm bảo an toàn, thuận lợi, chu đáo và thực hiện đúng quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Trường hợp có nhiều đoàn viên công đoàn và người lao động không về quê đón Tết do tình hình Covid-19 hoặc theo yêu cầu phòng chống dịch thì tổ chức Chương trình trực tuyến "Tết không xa nhà" và các hình thức phù hợp với từng địa phương, đơn vị.
Theo dõi sát tình hình lương, thưởng Tết Nhâm Dần
Cũng trong kế hoạch "Tết Sum vầy - Xuân Bình an", Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng yêu cầu Công đoàn các cấp chủ động tham gia với các cơ quan chức năng nắm tình hình, kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động ở các doanh nghiệp gặp khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chủ bỏ trốn hoặc giải thể, phá sản.