Lịch nghỉ Tết và Quốc Khánh: Giải nỗi lo sợ dịch, dân "đói" tiền đi mua sắm

An Linh

(Dân trí) - Có ý kiến nghỉ dài trong ngày Tết Nhâm dần, Quốc khánh làm tăng dịch bệnh, chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh đã phản bác: "Đây là mối lo cũ trong một tình hình đã mới, ở một thế giới mới..."

Trao đổi với phóng viên Dân trí mới đây về dự thảo đề xuất lịch nghỉ Tết Nhâm dần và ngày Quốc khánh của Bộ LĐ-TB&XH, nhiều chuyên gia đồng tình và đưa ra cách lý giải khoa học về nỗi lo của người dân về nguy cơ bùng phát dịch bệnh và hiệu quả sản xuất.

Theo TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đứng về luật pháp, việc nghỉ lễ tết đã có quy định rõ ràng, tăng lên cần đánh giá, giảm đi cũng vậy. Nhưng theo ông Lợi, việc nghỉ 9 ngày dịp Tết Nhâm dần và 4 ngày Quốc khánh, tưởng nhiều nhưng đều do trùng vào ngày nghỉ cuối tuần.

Ông Lợi phân tích, tính ra ngày làm việc chính thức chỉ có 5 ngày từ thứ 2 đến thứ 6, còn các ngày nghỉ Tết từ 29/1 (tức 27/12 âm lịch), 30/1 (28/12 âm lịch), ngày 5/2 (5/1 âm lịch) và 6/2 (tức 6/1 âm lịch) đều là ngày nghỉ cuối tuần.

Lịch nghỉ Tết và Quốc Khánh: Giải nỗi lo sợ dịch, dân đói tiền đi mua sắm - 1

Giới chuyên gia lý giải về nỗi lo của người dân xung quanh đề xuất nghỉ Tết Nhâm dần, Quốc khánh năm 2022 kéo dài 13 ngày (Ảnh Hữu Nghị).

Về lợi ích, việc gộp chung ngày nghỉ lễ Tết Nhâm dần và ngày cuối tuần đã cho phép người lao động có quỹ thời gian để bố trí, sắp xếp ngày nghỉ lễ nhiều hơn cho gia đình, người thân và nhất là không quá gấp gáp cho di chuyển du xuân hoặc ra thành phố làm việc.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp làm dệt may tại TPHCM, nơi ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh cho biết: "Về ngày nghỉ lễ doanh nghiệp không phàn nàn gì nhưng doanh nghiệp sẽ phải tính các phương án nghỉ luân phiên, theo ca cho hợp lý với đặc thù ngành nghề".

Thực tế, nhóm đối tượng được nghỉ trọn vẹn ngày theo đề xuất là công chức, viên chức, còn người lao động tại các doanh nghiệp có thể bố trí ngày nghỉ phù hợp với thực tế, trước hoặc sau lễ. Đây là chính sách phù hợp cho các nhóm đối tượng khác nhau và trong điều kiện cụ thể.

Vị đại diện này nói: "Ví dụ doanh nghiệp dệt may tại TPHCM phải dừng việc mấy tháng nay do đại dịch, đơn hàng khách đặt đã dồn quá trời, cả doanh nghiệp và người lao động đều muốn làm nhanh, tập trung làm việc nên có lẽ không ai quan tâm sẽ được nghỉ như thế nào".

Thực tế, đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH về đối tượng chính áp dụng số ngày nghỉ Tết Nguyên đán và Quốc Khánh chỉ là công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội... Còn đối với doanh nghiệp, quy định này không cứng nhắc cũng tạo lợi thế cho họ tự chủ.

"Đối với doanh nghiệp, chúng tôi cần đẩy mạnh sản xuất để hoàn tất đơn hàng cho khách, trả nợ ngân hàng. Người lao động cũng muốn tăng thời gian làm việc sau khi giãn cách, nghỉ tại chỗ lâu quá, muốn làm để kiếm thu nhập..", vị doanh nghiệp đề nghị không nêu tên, chia sẻ.

Theo đại diện doanh nghiệp tại TPHCM, do việc sản xuất yêu cầu cao, người lao động cũng muốn làm việc, đẩy nhanh hiệu quả sản xuất. Vì vậy, ở các địa phương bị giãn cách quá lâu, doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều, cần cho họ tự chủ phương án nghỉ lễ hoặc cho họ có chính sách đặc thù để hài hòa các bên, không vi phạm quy định.

Chia sẻ với PV Dân trí, TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế cho rằng: Việc nghỉ lễ tết, Quốc khánh dài sẽ tốt hơn vì tăng cầu sẽ tăng cung.

Lịch nghỉ Tết và Quốc Khánh: Giải nỗi lo sợ dịch, dân đói tiền đi mua sắm - 2

TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển Việt Nam.

"Đây là động lực ngắn hạn thúc đẩy điều kiện tăng mua sắm, tiêu dùng và đi lại, tuy nhiên điều kiện cần và đủ là phải trong điều kiện bình thường, không dịch hoặc các giải pháp phòng dịch hiệu quả", ông Trinh nói.

Theo ông Trinh quan điểm sống chung với dịch đã được đưa ra và chúng ta có thể duy trì hoạt động sản xuất, kinh tế, giao thông bình thường như các nước khi người dân tiêm đủ mũi vắc xin.

Hơn nữa, thời gian nghỉ Tết Nhâm dần và Quốc khánh năm 2022 vào cuối tháng 1/2022 và tháng 9/2022. Từ nay tới đó, Việt Nam có đủ thời gian để tiến hành tiêm phủ rộng vắc xin ở nhiều địa phương, trung tâm công nghiệp.

Về ý kiến có người lo nghỉ dài, người dân đi lại, tiệc tùng, mua sắm có thể làm bùng phát covid-19, TS Bùi Trinh phản bác: "Đây là mối lo cũ trong một tình hình đã mới, ở một thế giới mới khi mọi quan điểm đã khác. Chúng ta đã và đang tiêm nhiều vắc xin; dịch bệnh diễn ra ở cả thế giới, nhiều nước đã mở cửa, sống chung với Covid-19. Quan điểm là không kỳ vọng ngăn chặn hoàn toàn mà phải cùng sống, cùng chống nó".

Phương án mở cửa trở lại nền kinh tế cần thiết và cần làm ngay. "Chính vì vậy, phương án nghỉ lễ Tết Nhâm dần và Quốc Khánh như đề xuất là hoàn toàn có khả thi và có tác động lan tỏa đến đời sống xã hội", TS Trinh nói.

Ông Trinh nói thêm: "Đóng cửa, cách ly về lý thuyết ngăn chặn được dịch, nhưng thực tế thời gian qua đã phủ nhận điều này. Hệ quả của nó lại lớn hơn, đóng cửa lâu nền kinh tế sẽ kiệt quệ. Hết tháng 10 rồi, chúng ta phải bắt buộc mở cửa, không nên để mãi các tỉnh ra chính sách riêng, mỗi nơi một kiểu như hiện nay".

Cũng bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Phi, quản lý nhân lực cho doanh nghiệp Nhật tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long, Nội Bài (Hà Nội) cho rằng: Về ngày nghỉ không vấn đề bởi người lao động Việt vẫn nghỉ ít so với thế giới. Nhưng số ngày nghỉ dài thì doanh nghiệp cũng có thể phải điều chỉnh người làm, điều chỉnh sản xuất để không ảnh hưởng.

Nhìn chung việc nghỉ không ảnh hưởng đến sản xuất, bởi doanh nghiệp không nhất thiết nghỉ đúng các ngày liền kề mà được sắp xếp theo kế hoạch sản xuất.

"Có điều người lao động lo lắng nhất là nghỉ dài có kế hoạch đi mua sắm, ăn uống, du lịch, thăm thân làm sao để không ám ảnh bởi đại dịch. Tiền đâu để đi mua sắm, du lịch khi đại đa số người lao động đều chịu tác động của dịch bệnh, khiến thu nhập giảm sút", ông Phi nhấn mạnh.