Dân "xã 135" trồng đúng cây, nuôi đúng con, thoát được nghèo
(Dân trí) - Sống trên vùng đất "chó ăn đá gà ăn sỏi", người dân xã Độc Lập quanh năm nghèo đói. Gần đây, nhờ trồng đúng cây, nuôi đúng con, bà con dần vươn lên thoát nghèo.
Nuôi "con thoát nghèo"
Xã Độc Lập nằm cách xa trung tâm thành phố Hòa Bình (Hòa Bình), để đến được nơi đây phải vượt qua con đường gập ghềnh sỏi đá. Nhiều năm liền, địa phương này có tên trong danh sách xã đặc biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Giờ đây, đời sống người dân đang được cải thiện từng ngày.
Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập cho biết, toàn xã có 6 xóm với 621 hộ, 2.874 nhân khẩu. Trong đó bà con dân tộc Mường chiếm 97%, còn lại là người Kinh và Dao. Thời gian dài, hộ nghèo chiếm số đông trong xã.
"Sống trên vùng đất khó, bà con không biết trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế. Nhiều năm liền, người dân cứ loay hoay với bài toán giảm nghèo nhưng không có kết quả", ông Phong chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Toàn (xóm Sòng) tâm sự, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm, sống chủ yếu dựa vào làm nương rẫy, nuôi con gà, con vịt, quanh năm chẳng đủ ăn.
"Vì không có tiền nên bà con ở đây không đầu tư nuôi được con gì và cũng chẳng biết trồng cây gì. Quanh năm chỉ trông chờ vào nương rẫy, đủ ăn đã là may, mơ gì đến có được ngôi nhà kiên cố, có chiếc xe máy, ti vi và cho con cái ăn học đến nơi đến chốn", anh Toàn thở dài.
Năm 2019, chính quyền địa phương hỗ trợ cho gia đình anh Toàn 5 con dê. Có được đàn dê giống, anh bắt tay vào chăm sóc nuôi theo hình thức bán chăn thả. Chỉ sau thời gian ngắn, đàn dê sinh sôi, tăng lên gần 20 con, trị giá khoảng 80 triệu đồng.
Có đàn dê làm vốn, gia đình anh Toàn mạnh dạn mua thêm 10 con lợn để đa dạng hóa vật nuôi. Bên cạnh đó, anh còn đứng ra thu gom măng rừng của người dân để xuất bán cho các nhà hàng, chợ đầu mối ở thành phố Hòa Bình.
Chỉ sau 2 năm kể từ ngày được hỗ trợ đàn dê, có vốn phát triển, tháng 8/2023 gia đình anh Toàn chính thức thoát nghèo, xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, trị giá gần 300 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Thu Phương kể, cuối năm 2019 gia đình cũng được UBND xã hỗ trợ 5 con dê để chăn nuôi. Tận dụng khu vực đồi cây sau nhà để chăn thả, chị chăm sóc đàn dê kỹ lưỡng. Mỗi năm dê mẹ đẻ một lứa, mỗi lứa 2 con, đến nay đàn dê nhà chị đã lên tới 15 con, sinh trưởng tốt, ít bị bệnh.
"Tháng 12 tới đây, tôi sẽ xuất bán 6 con, dự kiến thu về khoảng 30 triệu đồng, đủ tiền lo cho các con ăn học cả năm. Có tiền chăm lo đời sống gia đình, có kỹ thuật chăm nuôi giúp bà con trong xóm, chẳng mấy chốc mà xã tôi thoát được nghèo", chị Phương khoe.
Trồng cây làm giàu
Anh Nguyễn Trung Kiên (34 tuổi), Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Độc Lập (HTX Độc Lập) chia sẻ, bao đời nay việc trồng lúa ở Độc Lập kém hiệu quả. Người dân không biết trồng cây gì năng suất cao để phát triển kinh tế. Khi đó, anh đã vận động người dân trồng thử hàng chục héc-ta bí xanh, bí đao, mướp đắng.
"Không ngờ cây bí phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây, phát triển nhanh, nhiều quả, bí ngọt, ruột ít, bán được giá cao. Sau một năm, người dân đã mở rộng diện tích trồng lên gần 30ha", anh Kiên cho biết thêm.
Tháng 11/2020, anh Kiên đứng ra thành lập HTX Độc Lập với 10 thành viên, nhằm hỗ trợ người dân sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Sau 3 năm, hợp tác xã đã thành lập được 3 tổ nhóm gồm: Tổ nuôi dê với số lượng 3.000 con; Tổ sản xuất nông nghiệp với sự tham gia của 80 hộ; Tổ trồng dược liệu với diện tích 5ha của 10 hộ gia đình.
"Hợp tác xã giúp các thành viên có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên chính quê hương. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tôi lăn lộn tìm đến các chợ đầu mối ở các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên… để giới thiệu sản phẩm, kết nối đầu ra cho bà con", anh Kiên nói.
Bên cạnh đó, anh Kiên tìm đến các cơ sở sản xuất giống cây trồng có uy tín của Viện Nông nghiệp, công ty hạt giống uy tín để có được nguồn giống chất lượng cao về phục vụ sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập thông tin thêm, người dân trong xã được hỗ trợ tích cực từ phía hợp tác xã. Do mới thành lập nên việc xây dựng thương hiệu sản phẩm còn khó khăn, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường chưa bền vững, việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Đặc biệt, về cơ sở hạ tầng như nhà sơ chế, bảo quản, nhất là lò sấy chưa có nên việc tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, phụ thuộc vào thương lái.
"Bà con mong muốn có được sự quan tâm, hỗ trợ từ cơ quan chuyên môn của tỉnh với việc đánh giá chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Hiện tại, thứ người dân cần hơn cả là kinh phí để xây dựng nhà sơ chế, bảo quản và sấy khô sản phẩm để đưa ra thị trường. Từ đó, bà con mới không gặp phải tình trạng được mùa mất giá", ông Phong nói.
Mô hình vươn lên thoát nghèo tại xã Độc Lập (Hòa Bình) góp phần thực hiện Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Hết tháng 10/2023, bình quân thu nhập đầu người của xã Độc Lập đạt 42 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 6,25%. Người dân trong xã đoàn kết, nỗ lực thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động, góp phần xây dựng nông thôn mới.