1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Gia Lai:

Dân bỏ nhà vào rẫy ở, làng tái định cư tiền tỷ đìu hiu

Chí Anh

(Dân trí) - Để giúp người dân an cư, lạc nghiệp, huyện Kông Chro, Gia Lai xây dựng khu tái định cư tái định cư Lơ Bơ. Nhưng đã hơn 5 năm, khu tái định cư này vẫn đìu hưu, thưa thớt người sinh sống.

Hàng chục hộ người Dao từ các tỉnh phía Bắc đã di cư tự do vào xã Chư Kreey, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai để lập nghiệp từ năm 2008. Vì thiếu đất sản xuất nên bà con thường chọn những góc rừng, rẻo cao để làm nhà tạm sinh sống.

Để giúp người dân an cư, lạc nghiệp, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, UBND huyện Kông Chro triển khai Dự án ổn định dân di cư tự do tại làng Lơ Bơ với kinh phí hơn 3 tỷ đồng vào năm 2018.

Gia-Lai-diu-hiu-lang-tai-dinh-cu_Chi-Anh.jpg

Làng tái định cư Lơ Bơ (Ảnh: Chí Anh).

Dự án đã vận động được 43 hộ dân đăng ký vào khu tái định cư. Khi có đất ở, bà con còn được hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ để xây dựng, di dời nhà cửa.

Tuy nhiên, đã hơn 5 năm, khu tái định cư làng Lơ Bơ, xã Chư Krêy vẫn còn khó khăn. Hàng chục bà con đã bỏ lại nhà cửa kiên cố để vào nương rẫy ở. Nhà cửa ở làng dần hoang tàn, đìu hiu, cỏ dại mọc um tùm. 

Anh Triệu Sinh Thành (Phó Trưởng thôn Lơ Bơ, xã Chư Krêy) bộc bạch: "Khu tái định cư thường ở xa nương rẫy, mỗi lần đi làm mất hàng giờ đồng hồ. Để thuận tiện, bà con thường ở luôn trong nhà rẫy và mỗi dịp lễ, Tết mới trở lại làng".

Gia-Lai-diu-hiu-lang-tai-dinh-cu_Chi-Anh.jpg

Phần lớn người dân đều trở về nơi ở cũ để sản xuất nông nghiệp, dịp Tết mới ở nhà trong khu tái định cư (Ảnh: Chí Anh).

Bản thân anh Thành thường phải vào rẫy ở để tiện chăm sóc 1ha cà phê. Ngoài làm nương rẫy, gia đình anh còn chăn nuôi gia súc, gia cầm... 

Ông Đặng Thắng Hoa (làng Lơ Bơ) là một trong những người ít ỏi thường sinh sống ở làng tái định cư. Ông Hoa cho hay, bản thân không thuộc diện tái định cư vì vào sau. Khi vào đây thấy nhà cửa bỏ hoang nhiều nên anh đã liên hệ với chủ nhà để xin ở nhờ.

"Gia đình tôi ở Bắc Kạn vào đây sinh sống. Vì mới vào không có nhà cửa nên đã liên hệ để xin ở nhà. Vùng này đất đai cằn cỗi, khí hậu nắng nóng nên phát triển nông nghiệp ở đây rất khó khăn. Người dân ở đây chủ yếu làm thuê hay trồng mỳ để lấy cái ăn trong mùa giáp hạt", ông Hoa tâm sự.

Gia-Lai-diu-hiu-lang-tai-dinh-cu_Chi-Anh.jpg

Nhiều năm nay, chính quyền địa phương tích cực vận động người dân quay lại làng tái định cư để thuận tiện cho con cái đi học (Ảnh: Chí Anh).

Ông Khương Đình Huy, Chủ tịch UBND xã Chư Kreey, cho biết: "Nhiều năm qua, chính quyền luôn tuyên truyền, vận động bà con người Dao về khu tái định cư sinh sống, ổn định sản xuất. Việc này nhằm giúp các em nhỏ thuận tiện trong việc học hành, bà con hưởng các chế độ phúc lợi, an sinh của Nhà nước, đảm bảo hơn về tình hình an ninh chính trị, trật tự trên địa bàn".

Tuy nhiên, do tập quán sinh hoạt nên bà con thường vào nương rẫy để ở. Vài tuần hoặc dịp lễ, Tết, bà con mới chịu quay trở lại làng. Thời điểm này, đang vào mùa vụ nên bà con thường đi làm từ sáng sớm, khu tái định cư vắng bóng người.

Gia-Lai-diu-hiu-lang-tai-dinh-cu_Chi-Anh.jpg

Một số nhà ở của người dân trong khu tái định cư bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm (Ảnh: Chí Anh).

UBND huyện phân bổ kinh phí cho UBND xã làm 2,6km đường bê tông nối từ làng Lơ Bơ vào khu sản xuất của làng Dao cũ từ đầu năm 2022. Việc này giúp cho người dân thuận lợi trong việc đi vào khu sản xuất.

Theo báo cáo UBND xã Chư Krêy, qua rà soát, tại xã có 35 hộ đồng bào dân tộc Dao với 144 nhân khẩu. Hiện chỉ có 10 hộ ở lại khu tái định cư, 22 hộ ở lại khu sản xuất. Ngoài ra có 3 hộ đi làm ăn xa và 8 hộ đã chuyển đi nơi khác sinh sống.