Đại dịch Covid-19 làm gia tăng nạn buôn bán trẻ em ở Ấn Độ
Tính riêng từ tháng 4/2020 đến tháng 9/2020 ở Ấn Độ, đã có 1.127 trẻ em được nghi là nạn nhân của nạn buôn bán trẻ em đã được giải cứu và 86 kẻ bị cáo buộc buôn người đã bị bắt giữ.
Pháp luật Ấn Độ quy định độ tuổi tham gia lao động của trẻ em nước này từ 14 tuổi trở lên nhưng chỉ được lao động trong các công việc gia đình và không làm việc ở điều kiện khắc nghiệt.
Tuy nhiên, vì những khó khăn trong kinh tế, nhiều gia đình đã để trẻ em tham gia lao động ở các doanh nghiệp bên ngoài. Thực tế, điều này tạo điều kiện để nạn buôn bán trẻ em ngày càng gia tăng trong bối cảnh kinh tế Ấn Độ đang trong tình trạng khó khăn.
Mujeep (tên giả), 14 tuổi, là một trong những nạn nhân của đường dây buôn bán trẻ em đã được cảnh sát giải cứu. Cậu bé và những người bạn của mình đã được một người đàn ông cho 500 ruppee (khoảng 7 USD) để "đi du lịch" từ làng của mình thuộc bang Bihar đến Jaipur - một thành phố đông đúc thuộc bang Rajasthan cách đó 800km.
Người đàn ông này và hai nghi phạm khác đã bị bắt tại thành phố Jaipur. Mujeep và 18 trẻ em khác cũng được giải cứu khỏi đường dây buôn bán trẻ em. Cảnh sát cho biết, có khả năng những kẻ này đang trên đường đưa trẻ em đến các nhà máy sản xuất vòng tay để bán như những "nhân công" với giả rẻ mạt.
Làm việc trong những xưởng sản xuất vòng tay sơn mài là một công việc nguy hiểm, đòi hỏi thao tác sơn mài trong lúc than đang nung nóng. Sản xuất vòng đeo tay là một trong những ngành không được tuyển dụng lao động dưới 18 tuổi, theo luật pháp Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường luật pháp để bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, trong 6 tháng qua, do ảnh hưởng của đại dịch, những điều luật bảo vệ trẻ em dường như không còn được tuân thủ nghiêm túc.
Ông Kailash Satyarthi (Ấn Độ), người đạt giải Nobel Hòa bình năm 2014 và cũng là Chủ tịch của tổ chức Bachpan Bachao Andolan (Tổ chức cứu trợ Tuổi thơ, hoạt động vì quyền của trẻ em) bức xúc: "Trẻ em chưa bao giờ phải đối mặt với khủng hoảng như vậy. Đây không chỉ đơn giản là khủng hoảng sức khỏe hay khủng hoảng kinh tế. Đây là khủng hoảng về công lý, về nhân loại, về tuổi thơ, về tương lai của cả một thế hệ".
Khi Ấn Độ bắt đầu thực hiện các quy định giãn cách xã hội, đóng cửa toàn bộ trường học và nơi làm việc, trẻ em đã bị tước đi bữa ăn trưa mà chúng thường nhận được ở trường. Những kẻ buôn người đã nhắm vào những gia đình khó khăn và tuyệt vọng về tài chính để dụ dỗ và biến trẻ em thành "nguồn thu nhập" của chúng.
Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Trẻ em Satyarthy (Ấn Độ) đối với 245 hộ gia đình ở 5 bang có điều kiện kinh tế khó khăn, bao gồm Bihar, có đến 21% số người được hỏi sẵn sàng để con cái dưới 18 tuổi đến các khu vực thành thị để làm việc vì hoàn cảnh kinh tế khiến họ không còn giải pháp nào khác.
Nhưng không chỉ cha mẹ mới rơi vào tình cảnh không còn lựa chọn nào khác, chính trẻ em cũng cảm thấy bị thôi thúc bởi áp lực "chén cơm manh áo" trong giai đoạn khó khăn. Từ đó, tỷ lệ trẻ em rơi vào đường dây của những kẻ buôn người tăng lên.
Nếu không được giải cứu kịp thời, những đứa trẻ xấu số sẽ bị bán vào làm lao động ở các xưởng sản xuất vòng tay và phải làm việc dưới điều kiện khắc nghiệt, độc hại. Nishad (tên giả), một cậu bé 12 tuổi đã từng là nạn nhân của bóc lột lao động cho biết, cậu đã bị bắt làm việc trong 15 giờ đồng hồ mỗi ngày, sau đó bị nhốt cùng những đứa trẻ xấu số khác trong một căn phòng kín. Đổi lại những áp bức và bất công, bọn trẻ chỉ nhận được một bữa ăn vào lúc nửa đêm và 50 rupee (khoảng 0,7 USD) vào chủ nhật.