1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

TPHCM:

Cựu chiến binh tình báo góp sức giúp tạo việc làm cho hơn 500 lao động

Nam Thái  - Xuân Hinh

(Dân trí) - Kết thúc chiến tranh, người cựu chiến binh Nguyễn Lục Tăng về quê tham gia vào Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải số 2 Gò Vấp (TPHCM), phát triển kinh tế và tạo việc làm cho hơn 500 lao động.

Cựu chiến binh tình báo góp sức giúp tạo việc làm cho hơn 500 lao động - 1

Ông Tăng (thứ 3, từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng các chiến sĩ trong buổi gặp gỡ cựu chiến binh Quận 1, TPHCM.

15 tuổi trốn nhà nhập ngũ

Chúng tôi có dịp gặp cựu chiến binh Nguyễn Lực Tăng (73 tuổi, ngụ TPHCM) vào những ngày cuối tháng 4, khi cả nước đang hướng về kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021).

Nhắc về những ngày tháng 4 lịch sử của năm 1975, ông Nguyễn Lực Tăng vẫn không khỏi bồi hồi. Trong câu chuyện, thi thoảng ông lén quay mặt dùng vạt áo lau những giọt nước mắt xúc động.

Người cựu chiến binh này sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Thuận An (Bình Dương), trong một gia đình có truyền thống cách mạng gồm 12 anh chị em. Bố ông là đảng viên tham gia cách mạng từ năm 1945.

Cựu chiến binh tình báo góp sức giúp tạo việc làm cho hơn 500 lao động - 2
Ông Tăng bùi ngùi khi nhắc lại thời khắc lịch sử 30/4.

Sau Tổng khởi nghĩa thành công, bố ông trở thành Chủ tịch Mặt trận phường Lái Thiêu (Bình Dương). Để tiếp nối và phát huy truyền thống gia đình, ông Tăng cùng với 3 người anh trai đều gia nhập quân ngũ, tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

"Chúng tôi được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước xảy ra chiến tranh. Như bao người con Việt Nam yêu nước khác, chúng tôi không thể ngồi yên khi thấy đồng bào bị áp bức. Có lẽ truyền thống và dòng máu cách mạng đã chảy sẵn trong chúng tôi", ông Tăng tâm sự.

Cựu chiến binh tình báo góp sức giúp tạo việc làm cho hơn 500 lao động - 3

Ông Tăng và đồng đội tới thăm chiến trường xưa.

Thời điểm nhập ngũ, ông Tăng chỉ mới 15 tuổi và không nhận được sự chấp thuận của bố. Ông đã tìm mọi cách để trốn nhà để đi tòng quân. Trong 11 năm công tác tại Phòng Quân báo Miền, ông có 8 năm ông nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua.

Đến đầu năm 1963, ông Tăng được tham gia khóa đào tạo báo vụ viên. Cũng trong năm đó, ông cùng với một vài đồng chí khác được Bộ chỉ huy miền lựa chọn để thành lập đơn vị trinh sát kỹ thuật.

Nhận nhiệm vụ xây dựng đơn vị trinh sát kỹ thuật từ tiểu đội tiến lên cấp tiểu đoàn, đơn vị của ông Tăng còn được giao sản xuất các bản tin tình báo cho Bộ chỉ huy Miền.

Cụ thể, đơn vị của ông Tăng có nhiệm vụ phải nắm bắt được tất cả thông tin của quân đội Sài Gòn và quân đội Mỹ như hướng tấn công, tọa độ tấn công, kế hoạch bắn pháo, kế hoạch ném bom,… nhằm kịp thời sản xuất thành những bản tin báo về Bộ chỉ huy để chủ động trong chiến đấu.

Công việc đòi hỏi sự chính xác cao nên ông Tăng không bao giờ cho phép sai sót dù chỉ 1 lần.

Cựu chiến binh tình báo góp sức giúp tạo việc làm cho hơn 500 lao động - 4

Hợp tác xã tạo việc làm cho hơn 500 lao động với mức lương từ 5 - 15 triệu đồng/tháng.

Tạo việc làm cho hơn 500 lao động

Sau sự kiện Hiệp định Paris (năm 1973), đơn vị của ông Tăng về đóng quân tại Lộc Ninh (Bình Phước). Ông Tăng được cử đi học ở Trường Sĩ quan Lục quân 2.

Sau đó, ông tiếp tục được cử đi học Khóa huấn luyện chính trị. Khi đất nước giải phóng, ông rời quân ngũ và tham gia công tác tại Cục đường biển phía Nam. Năm 1991, khi đó có Nghị định 176 tinh giản biên chế, ông quyết định xin nghỉ.

"Nhận 2,6 triệu đồng trở về, khi đó tôi chỉ có 2 bàn tay trắng, nhìn vợ và 2 đứa con nhỏ. Tôi nghĩ phải làm gì đó để lo cho gia đình. Sau khi tìm hiểu tôi quyết định vay mượn thêm họ hàng, bạn bè để đầu tư mua một chiếc xe tải để làm công việc vận chuyển hàng hóa", ông Tăng chia sẻ.

Sau một thời gian, khi công việc làm ăn đã ổn định, ông Tăng tham gia và trở thành thành viên của Hợp tác xã Vận tải số 2 Gò Vấp (thuộc UBND quận Gò Vấp). Từ năm 1996, ông tham gia vào Ban Chủ nhiệm và gắn bó với Hợp tác xã cho đến tận bây giờ.

Khi tham gia vào Hợp tác xã, ông Tăng được giao nhiệm vụ là trực tiếp quản lý, khai thác nguồn hàng bằng 4 chiếc xe tải.

"Công việc của tôi chủ yếu là sử dụng đội xe tải để chở hàng hóa cho các đối tác truyền thống và tìm những đối tác mới, đồng thời tổ chức lực lượng, phân bố nhân lực để chạy hàng cho khách", ông Tăng chia sẻ.

Vừa trò chuyện với chúng tôi, ông vừa xử lý các cuộc gọi điều chỉnh và phân phối xe vận tải để kịp tiến độ vận chuyển hàng theo yêu cầu của khách.

Cũng theo lời ông, khi cao điểm, mảng hoạt động của ông mang lại nguồn thu 300 - 400 triệu đồng cho Hợp tác xã bằng 4 chiếc xe tải được bỏ vốn đầu tư mỗi năm. Cùng với đó, hàng năm, đội xe tải của ông quản lý giúp Hợp tác xã đóng khoảng 1 tỷ đồng tiền thuế cho nhà nước

Thời cao điểm, Hợp tác xã có hơn 1.000 đầu xe, phục vụ cả vận tải chở hàng và hành khách. Nhưng những năm gần đây, do số lượng các thành viên Hợp tác xã tách ra mở các công ty TNHH vận tải nên hiện tại chỉ còn khoảng 300 đầu xe các loại.

Hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm cho hơn 500 người lao động với các mức lương từ 5 - 15 triệu đồng/người/tháng, góp phần đảm bảo đời sống người dân trong khu vực.

Gần 30 năm gắn bó với nghề kinh doanh vận tải, ông Tăng cho rằng: "Nghề nào cũng có những cám dỗ, nghề này cũng vậy, nhưng tôi luôn cho rằng phải chú tâm, đặt khách hàng lên trên lợi nhuận thì chắc chắn nghề không phụ người. Tuy không giàu nhưng nghề đã giúp tôi kết nối hỗ trợ được nhiều đồng đội...".