Quảng Nam:
Cựu binh già gần 30 năm "canh giấc" cho liệt sĩ
(Dân trí) - Dù đã ở cái tuổi "gần đất xa trời", cựu binh già Nguyễn Mua vẫn ngày ngày canh giấc cho những "linh hồn bất tử".
Gần 30 năm nay, cựu binh già Nguyễn Mua (89 tuổi, ở xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đều dậy từ 5h sáng, chuẩn bị đồ nghề, đạp xe ra nghĩa trang liệt sĩ dọn dẹp.
Sống sót trở về sau chiến tranh, ông lấy việc chăm sóc mộ phần cho những người lính để an ủi tâm hồn và tưởng nhớ đến đồng đội đã hy sinh.
Ký ức một thời bom đạn
Cựu binh Nguyễn Mua năm nay đã gần 90 tuổi. Ở cái tuổi "xưa nay hiếm", ông vẫn rất minh mẫn, tháo vát. "Có lẽ trời đất phù hộ cho tôi luôn mạnh khỏe để còn chăm nom mộ phần các liệt sĩ", ông Mua cười nói.
Gia đình ông Mua là gia đình giàu truyền thống cách mạng tại địa phương, ông có hai người anh trai và con gái ruột đều là liệt sĩ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
Ông Nguyễn Mua bồi hồi nhớ lại, trong chiến tranh ông tham gia du kích xã chiến đấu bảo vệ từng tất đất xóm làng. Ông cũng là người chứng kiến những mất mát, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai.
Đặc biệt, trong chiến dịch Thượng Đức năm 1974, với nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài, hỗ trợ bộ đội chủ lực chiến đấu, ông lại càng không thể nào quên sự hy sinh và quyết tâm chiến đấu đầy quả cảm của bộ đội cụ Hồ.
Ông từng tận mắt chứng kiến cảnh ác liệt mỗi lần giao chiến. "Nhiều người nằm xuống trong chiến tranh, loạn lạc, chẳng ai nhớ họ tên gì, ở đâu", ông Mua xúc động nói.
Năm 1975, quê hương Đại Lộc hòa bình, ông tham gia công tác xã hội tại địa phương, cùng nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, sản xuất ổn định đời sống.
Bên cạnh đó, ông còn được phân công giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền thời bấy giờ. Dù ở cương vị nào, ông Nguyễn Mua cũng luôn cố gắng, hết mình với công việc. Ông được bà con làng xóm tin tưởng, yêu quý.
Ông đã từng rong ruổi hết ngày này qua ngày khác ở TP Đà Nẵng để vận động những người con Đại Lãnh xa quê góp tiền xây dựng nhà văn hóa thôn, xây cụm trường mẫu giáo. Với ông, làm được việc gì đó cho mọi người dù nhỏ ông vẫn cảm thấy rất vui.
Gần 30 năm chăm sóc mộ phần liệt sĩ
Năm 1993, ông Mua được nghỉ hưu theo chế độ. Từ đó, ông dành toàn bộ thời gian còn lại của cuộc đời để chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Ông Mua gần như thuộc từng vị trí an nghỉ của các liệt sĩ. "Dù tuổi đã cao, nhưng ngày nào tôi cũng dành một buổi lên thăm nom các liệt sĩ. Ngày nào không lên là lại bứt rứt không yên", ông Mua tâm sự.
Mỗi ngày, người dân Đại Lãnh đã quá quen với hình ảnh một ông cụ tóc bạc phơ, đi xe đạp đến nghĩa trang liệt sĩ. Ông quét sạch từng ngôi mộ, dọn sạch từng đám cỏ xung quanh.
Trên các ngôi mộ liệt sĩ, ông còn trồng thêm hoa mười giờ. Với ông, đây cũng như ngôi nhà của những anh hùng đã cống hiến cho quê hương, đất nước nên ông phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ.
Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Lãnh là một trong những nghĩa trang lớn nhất huyện Đại Lộc. Hiện nghĩa trang có 692 ngôi mộ liệt sĩ trong đó có hơn một nửa là liệt sĩ ngoài địa phương, chủ yếu là bộ đội trung đoàn 66 sư đoàn 324, sư đoàn 304 đã hy sinh trong chiến dịch Thượng Đức năm 1974.
Người may mắn trong số các liệt sĩ đó được đồng đội nhớ được thông qua tấm sơ đồ của nghĩa trang thời chiến. Nhưng còn những liệt sĩ không rõ danh tính, ông Mua vẫn ngày ngày chăm lo bằng những tình cảm chân thành nhất trên mảnh đất đã trở thành quê hương thứ hai của họ.
"Có nhiều thân nhân liệt sĩ quê ở miền Bắc, nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hàng năm, họ đều đến thắp hương và thăm hỏi, động viên tôi, mong tôi luôn khỏe mạnh để chăm sóc tốt cho các phần mộ liệt sĩ. Mọi người đều an tâm, tin tưởng khi thân nhân của mình được tôi chăm lo, hương khói giống như người thân trong gia đình", ông Mua chia sẻ.
Thấy ông ngày càng lớn tuổi, con cháu thường động viên ông nghỉ ngơi, song vì tấm lòng biết ơn các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh giành độc lập cho dân tộc, nên ông vẫn cố gắng mỗi ngày.
"Mình làm vì những người đã hy sinh để mình được sống, giá trị đó không gì so sánh được", ông Nguyễn Mua nói về công việc thầm lặng của mình.
Nói về ông Mua, bà Trương Thị Minh Phương - Chủ tịch xã Đại Lãnh - cho hay dù tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cố gắng chăm lo công việc quản trang, hương khói cho anh linh các Anh hùng liệt sĩ. Điều này thật đáng trân quý, thể hiện nghĩa cử cao đẹp "ăn quả nhớ người trồng cây", cũng như tấm lòng của ông đóng góp cho công tác đền ơn, đáp nghĩa của địa phương.