Cuộc sống bên nghĩa trang của cặp "vợ chồng phụ nữ" gắn bó 30 năm
(Dân trí) - 30 năm bên nhau, có giận hờn, yêu thương, chia ly rồi sum vầy… Đến giờ, điều ước lớn nhất của bà Phạm Minh Ngọc (65 tuổi) là cuối đời vẫn còn sức khỏe để chăm người bạn đời Nguyễn Thị Thủy (67 tuổi).
"30 năm trước, điều gì đã khiến bà chấp nhận lời yêu của bà Thủy?", phóng viên hỏi.
"Đôi khi nó không phải tình yêu, đó là lòng thương cùng cái khổ và Ngọc là người duy nhất sẵn sàng lo lắng cho tôi", bà Thủy nói rồi bẽn lẽn mỉm cười, nhìn người chồng "bất đắc dĩ" ngồi cạnh.
Cứ thế, ở trong căn chòi nhỏ cạnh nghĩa trang xã Tân Phú (huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), 2 phận già dù 30 năm chưa từng gọi nhau tiếng vợ chồng, thế nhưng trong mắt họ luôn có hình ảnh nhau.
Ngỏ lời yêu vì khổ
Bà Phạm Minh Ngọc kể, từ thuở nhỏ bà đã nhận ra bản thân khác với những người phụ nữ cùng trang lứa. Thay vì mặc váy, chơi trò nhẹ nhàng, Ngọc lại thích để tóc tém, đá banh cùng đám con trai. Thế nhưng, để ông bà ngoại vui lòng, thời điểm đó bà Ngọc chỉ dám cắt tóc ngang vai.
Mãi đến khi bà đem lòng thương mến một bạn nữ trong lớp, bà Ngọc mới nhận định rõ ràng về giới tính bản thân. Sau khi ông bà mất, bà quyết định cắt tóc, bắt đầu hành trình phiêu bạt ở mảnh đất TPHCM.
"Tôi cứ đi nhặt ve chai, phụ hồ, ở đợ… ai kêu gì mình làm nấy miễn sao sống là chính mình. Bởi tôi biết bản thân đã như thế thì không nên để gia đình khổ, quậy phá cho người ta dèm pha", bà Ngọc nhớ lại.
Ngày ngày nhặt ve chai trên đường, bà Ngọc tình cờ quen bà Thủy khi ấy đang phụ gánh cơm dạo. Qua vài lần bông đùa, cả hai nhanh chóng gắn kết thành bạn, chuyển về sống chung nhà để tiện bề chăm sóc. Xuất phát đều là những mảnh đời nghèo khó, tuổi thơ xa gia đình nên hai trái tim bắt đầu xuất hiện những rung động sâu sắc cho nhau.
Mãi đến cái ngày bà Ngọc đi bán vé số bị người ta tông gãy tay, bà Thủy hốt hoảng chạy vào viện thăm nom, lo toan tiền viện phí thì tình cảm của cả hai mới vượt qua 2 chữ "tình bạn".
"Có ông nhà giàu theo tôi, thích tôi lắm, nhưng hồi đó thấy bà chị bị chồng đánh chảy máu tai, tôi không muốn lấy chồng nữa. Riêng Ngọc chưa bao giờ đánh tôi, chăm sóc, chiều chuộng cái tính nóng nảy của tôi nên tình mến thương ngày càng nhiều", bà Thủy kể.
Từ dạo ấy, bà Thủy bỏ nghề phụ quán. Có ít vốn, cả hai gom góp mở một tiệm thuốc lá bên vệ đường Nguyễn Du (quận 1, TPHCM), khăn gói ra lề đường ngủ để canh chừng.
Thế mà trong một đêm say giấc, người ta nỡ lòng cạy tủ lấy hết thuốc lẫn tiền bạc khiến cuộc sống cả hai thêm phần khó khăn. Sau đó, bà Ngọc đành đưa người bạn đời lui về căn nhà ở Gò Vấp, sáng sáng lại đèo nhau vừa đi nhặt ve chai vừa đi bán thuốc.
"23 giờ đến 7 giờ sáng lại ra chợ lượm cá, lượm rau, cái nào ngon đem bán, nào xài được thì làm ăn… Cứ vậy đâm đầu lo cuộc sống nhưng chưa bao giờ hết cơ cực", bà Ngọc nói.
"Thôi em ơi, quê em ở đâu thì tui đưa em về?", sau thời gian TPHCM dẹp nạn buôn bán vỉa hè, bà Ngọc lên tiếng. Bà Thủy nhanh chóng gật đầu rồi cả hai gói ghém đồ đạc, rời khỏi TPHCM để kết thúc cuộc đời phiêu bạt.
Cuộc sống khó khăn nhưng đầy hạnh phúc
Hai vợ chồng trở về vùng quê nghèo của bà Thủy ở Long An, xin mảnh đất phía sau nhà người thân để dựng căn chòi sinh sống.
Nhằm kiếm đồng ra đồng vào, bà Ngọc vẫn giữ thói quen đạp xe hơn 40km từ Đức Hòa lên chợ Cầu Muối (quận 1, TPHCM) mót ít rau củ, hột mít, hột sầu riêng… về cho vợ muối chua, luộc để mang ra chợ bán buổi sáng.
"Cuộc sống khó khăn nhưng đồng vợ đồng chồng, có miếng rau ăn rau, miếng cá ăn cá, đi đường phải uống nước "lỗ chân trâu" vẫn vui vẻ hơn sự tấp nập ở thành phố", bà Ngọc nói.
Đặc biệt, niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng bà Ngọc là cả hai bên gia đình đều chấp nhận cuộc hôn nhân "không dạm hỏi" này. Theo đó, ban đầu khi mới trở về, người trong ấp đều nghĩ bà Ngọc là đàn ông. Dù bà giải thích bao nhiêu, tất cả vẫn tưởng 2 vợ chồng trêu đùa.
Mãi đến khi ra chính quyền hoàn thiện giấy tờ tùy thân, thấy bà Ngọc điền thông tin giới tính nữ, mọi người mới vỡ òa. Thế nhưng thay vì dị nghị, gia đình đều chúc phúc cho bà Thủy khi ưng bụng được người chịu thương chịu khó.
"Hồi còn khỏe, Ngọc thường đưa tôi về quê gặp má, gặp gia đình, cả hai bên đều biết nhau và tôn trọng cuộc sống của hai đứa…", bà Thủy kể.
Vài năm trước, mẹ của bà Thủy qua đời, không còn mảnh đất cắm dùi nên cả hai quyết định dọn ra gần nghĩa trang sống. Hiểu hoàn cảnh khó khăn, hàng xóm cứ người này san sẻ tấm tôn cũ, người kia đoạn gỗ, viên gạch, chăn, mền… cùng nhau dựng lên căn chòi đơn sơ cho 2 người phụ nữ.
"Ở ấp ai cũng yêu thương nên chúng tôi biết ơn lắm! Ngày nào cả hai cũng ra nghĩa trang đốt nhang, dọn dẹp mồ mả cho người đã khuất chỉ để cầu mong có sức khỏe sống lâu dài", bà Ngọc nói.
Mảnh vườn tình yêu ở tuổi cuối đời
Biết bà Thủy muốn sở hữu một mảnh vườn nhỏ quanh nhà, 2 năm trước, bà Ngọc đã phát cỏ, cải tạo đất. Ấy vậy, bây giờ quanh căn chòi không chỉ có đàn gà, mà còn đầy ắp rau tươi, giàn bầu, mướp, chanh dây, bắp, đậu… giúp cuộc sống cả hai có thể tự cung, tự cấp, không tốn nhiều chi phí sinh hoạt.
Ở tuổi 67, sức khỏe bà Thủy đã đi xuống, đặc biệt căn bệnh thần kinh khiến tâm tính bà lúc nóng lúc lạnh. Bà Ngọc chia sẻ, thời điểm còn trẻ vì tự ái nên bà thường xuyên bỏ nhà ra đi, thế nhưng giờ lại chỉ muốn ở bên cạnh chăm sóc người bạn đời.
"Sống với nhau tận 30 năm mà, có nhiều lúc muốn dừng lại chứ, nhất là những trận cãi nhau. Nhưng đã hiểu tánh nhau, người nóng người kia phải nhịn thì mới đi với nhau đến trọn đời", bà Ngọc nói.
Mỗi buổi chiều, cả hai người bạn lại thay nhau chăm mảnh vườn nhỏ. Họ nâng niu từng mầm lá non như một đứa trẻ con trong gia đình. Thế nên dù chẳng có con cái, cuộc sống của 2 bà vẫn chưa bao giờ cô đơn.
"Giờ chúng tôi đã đi gần hết đời người, trời đưa tới đâu thì tới đó chẳng nghĩ ngợi nhiều. Gần nghĩa trang nên mất thì vẫn sẽ ở đây, bà con lối xóm lo. Người ở lại đã hứa dù đau buồn như thế nào thì vẫn sẽ tiếp tục cuộc đời còn lại", bà Ngọc mỉm cười.
Là hàng xóm của vợ chồng bà Ngọc và nhiều lần giúp đỡ cho gia đình cả hai, ông Huỳnh Anh Quốc (50 tuổi) Anh Tuấn cho biết ở xã Tân Phú, ai cũng thấu hiểu hoàn cảnh gia đình của hai bà. Vì khó khăn nên 2 năm trước, cả hai đã chuyển ra gần nghĩa trang sống. Anh Tuấn cũng là người đứng ra vận động câu điện miễn phí cho căn chòi.