Cuộc hồi hương gian nan và hạnh phúc được đoàn tụ bên gia đình ngày Tết
(Dân trí) - Dịp Tết Nguyên đán năm nay, vợ chồng anh Lê Bá Chí (trú tại xã Hải An, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) được đoàn tụ bên gia đình sau nhiều năm xa quê làm ăn.
Hành trình hồi hương gian nan chưa từng có
Hai vợ chồng anh Lê Bá Chí đều làm công nhân may ở Khu công nghiệp Sóng Thần, tỉnh Bình Dương. Nhưng đại dịch xảy ra, công việc bị ảnh hưởng nên vợ chồng anh buộc phải "hồi hương" sau gần chục năm bám trụ thành phố để lao động kiếm sống.
Thế nhưng, vợ chồng anh Chí chưa thể quên lần hồi hương đầy gian nan cách đây mấy tháng mà cả đời anh chưa từng nghĩ tới.
Khi dịch lan rộng ở thành phố, anh Chí quyết định đưa vợ và 2 con nhỏ về quê. Nhớ lại lần hồi hương đó, chị Nguyễn Thị Hương (vợ anh Chí) không khỏi rùng mình: Hai vợ chồng tôi đèo thêm 2 con đi bằng xe máy về quê, nhưng đi 2 ngày mà chưa được một nửa chặng đường.
"Con tôi còn nhỏ, lại đi đường dài nên cả nhà đều rất mệt và đói. Đi dọc đường, do chúng tôi không có chỗ ngủ nên phải ngủ vật vạ bên đường. Khi đến địa phận tỉnh Bình Định, vợ chồng tôi đã kiệt sức nên gọi điện cầu cứu một chị quen biết cùng quê Bình Định. Sau đó, cả nhà tôi mới may mắn được cộng đồng giúp đỡ cho xe ô tô chở về Quảng Trị", chị Hương nhớ lại.
Về quê, gia đình chị Hương được đưa vào khu cách ly tập trung. Sau nửa tháng cách ly, cả gia đình được xét nghiệm lần cuối để trở về nhà thì phát hiện mắc Covid-19.
"Lúc đó, vợ chồng tôi chưa ai được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên rất lo lắng. Chồng tôi bị nặng hơn, người sốt cao. Thương nhất là 2 con nhỏ cũng bị lây nhiễm, nhưng may mắn nhẹ hơn. Trải qua tuần đầu tiên, thấy sức khỏe ổn định nên tôi yên tâm hơn. Cả gia đình điều trị tại bệnh viện hơn một tháng mới bình phục và xuất viện", chị Hương chia sẻ.
Về quê gắn bó với biển
Quyết định trở về quê, anh Chí xác định sẽ ở lại quê hương làm ăn chứ không quay trở lại thành phố nữa. Được gia đình động viên, anh Chí quyết tâm quay trở lại với nghề biển - nghề mà ba anh đã từng gắn bó mưu sinh nhiều năm qua.
Sau khi hoàn thiện các thủ tục vay vốn, anh được ngân hàng giải ngân 70 triệu đồng. Với số tiền vay được, anh Chí đầu tư đóng một chiếc thuyền và sắm các ngư lưới cụ hết hơn 60 triệu đồng để hành nghề.
"Làm việc ở thành phố, vợ chồng nhận lương hơn 25 triệu đồng. Số tiền ấy cũng khá cao, nhưng phải trang trải các chi phí rất đắt đỏ, tiền thuê nhà trọ, tiền giữ trẻ… cũng không dư được bao nhiêu. Gần 10 năm làm công nhân, bao vốn liếng tích góp được đều dồn vào xây nhà ở quê. Nếu không có dịch bệnh thì tôi dự định làm thêm vài năm nữa. Nhưng có lẽ, đây là cơ hội để tôi trở lại quê làm ăn, gắn bó với quê hương", anh Chí tâm sự.
Từng đi biển, quen với sóng gió nên anh Chí tin rằng bản thân sẽ sớm thích nghi và sẽ quyết tâm bám biển mưu sinh.
"Nếu chịu khó thì nghề biển cũng đảm bảo cho gia đình cái ăn, cái mặc cho con cái. Dù thu nhập có thấp hơn nhưng chi phí thấp nên cuộc sống gia đình sẽ dần tốt lên", anh Chí cho hay.
Những ngày cuối năm, anh Chí tất bật đan lưới và chuẩn bị những thứ cần thiết để ra khơi đánh bắt.
Đã 2 năm đón Tết xa nhà, năm nay vợ chồng anh Chí có cơ hội sum họp bên người thân trong dịp Tết cổ truyền. Nói về kế hoạch chuẩn bị đón Tết cổ truyền, theo anh Chí, năm nay gia đình đã trải qua rất nhiều khó khăn, thêm vào đó, cả gia đình đều bình phục sau bệnh tật là điều may mắn nên không mong muốn gì hơn. Do đó, vợ chồng anh sẽ đón Tết đơn giản để tiết kiệm, đầu tư làm nghề.
Anh Lê Bá Chí chia sẻ: "Dịp Tết ai cũng muốn về quê, nhưng khó khăn nên vợ chồng tôi không về được. Trong khi ở lại thành phố cũng rất buồn. Tết này gia đình tôi được đoàn tụ, sum vầy bên ba mẹ và người thân nên thấy rất ý nghĩa. Đó là điều hạnh phúc nhất với vợ chồng tôi lúc này".
Ôm đứa cháu nội vào lòng, ông Lê Bá Kỳ (bố anh Chí) vui mừng nói: "Năm nay vợ chồng tôi thấy vui vì các con trở về đoàn tụ, sum họp bên gia đình vào dịp Tết. Vượt qua bao khó khăn, vất vả, Tết này gia đình tôi sẽ đón Tết sung túc, ấm áp hơn".