1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cục Trẻ em đề nghị xử lý nghiêm vụ 2 thiếu niên bị đánh đập dã man

Phạm Công

(Dân trí) - Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam đề nghị làm rõ trách nhiệm và có biện pháp hỗ trợ kịp thời đối với vụ 2 thiếu niên bị đánh đập dã man tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, Q.10, TPHCM.

Cần làm rõ trách nhiệm 

Trước đó, chiều ngày 1/4 trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip hơn 2 phút ghi lại cảnh hai thiếu niên ngồi ngay ngắn trong phòng và bị người đàn ông mặc đồng phục của lực lượng dân phòng đánh tới tấp, gây xôn xao dư luận.

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10 (TPHCM) vào tối ngày 31/3. Theo clip ghi lại, nam thanh niên mặc đồng phục của lực lượng dân phòng nói "Có phải mày không" rồi vung chân đá thẳng vào vùng mặt của một em.

Sau đó, người này tiếp tục hành hung và có những lời nói thô tục, gặng hỏi 2 thiếu niên về hành vi trộm cắp. Xung quanh căn phòng còn có ít nhất 5 người đàn ông khác nhưng chỉ có một người đàn ông cởi trần có động thái can thiệp "hời hợt".

Cục Trẻ em đề nghị xử lý nghiêm vụ 2 thiếu niên bị đánh đập dã man - 1

Thanh niên mặc đồ dân phòng liên tục lên gối, đánh thẳng vào mặt hai nam thiếu niên (Ảnh cắt từ clip)

Liên quan đến vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: "Ngay trong sáng 2/4, Cục Trẻ em đã có công văn số 114/TE-BVTE đề nghị Sở LĐ-TB&XH TP HCM phối hợp với các cơ quan chức năng đặc biệt là cơ quan công an để triển khai việc xác minh thông tin, truy cứu trách nhiệm với các cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan".

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, đây là một sự việc đáng tiếc xảy ra khi hành vi bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong trường học và người gây ra hành vi này lại mặc đồng phục dân phòng. Ông cho rằng, cần phải nêu rõ trách nhiệm về mặt pháp lý của cá nhân có liên quan.

"Mặc dù đây là trẻ em đột nhập từ ngoài vào, có thể nghi ngờ hành vi trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, các hành động bạo lực đối với trẻ em là vi phạm pháp luật" - ông Đặng Hoa Nam cho biết.

Ông Đặng Hoa Nam cũng đề nghị Sở LĐ - TB&XH TPHCM, phối hợp với các bên liên quan để thực hiện hỗ trợ, can thiệp cho đối tượng trẻ em là nạn nhân của bạo lực theo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ can thiệp trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc bạo lực.

Sớm hỗ trợ và can thiệp 

Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, theo Chỉ thị số 23/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, cần phải truy cứu trách nhiệm người đứng đầu. Đặc biệt, ngoài những người gây ra các hành vi bạo lực đối với trẻ thì cần phải truy cứu, xem xét trách nhiệm những người liên quan.

"Hiệu trưởng nhà trường, lãnh đạo phường sở tại nơi để xảy ra vụ việc có lực lượng bảo vệ an ninh trật tự nhưng vi phạm quyền trẻ em phải xử lý theo quy định của pháp luật. Mức độ trách nhiệm, hành vi đến đâu, trực tiếp hay gián tiếp thì phải xử lý mức độ khác nhau" - ông Đặng Hoa Nam cho ví dụ.

Cục Trẻ em đề nghị xử lý nghiêm vụ 2 thiếu niên bị đánh đập dã man - 2

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan  đến vụ việc.

Ông Đặng Hoa Nam cho rằng, vụ việc này có 2 mức độ hành vi: Bạo lực đối với trẻ em và dấu hiệu hành vi trẻ em vi phạm pháp luật. Cần phải xử lý một cách riêng rẻ, theo quy định của pháp luật.

"Nếu các em vi phạm pháp luật, cần có những biện pháp giáo dục phù hợp như nhắc nhở, cải tạo để các em trở thành công dân tốt chứ không nên lấy cớ các em vi phạm pháp luật mà có những hành vi đánh đập dã man" - ông Đặng Hoa Nam nói.

Cục trưởng Đặng Hoa Nam cũng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan sớm vào cuộc, hỗ trợ, can thiệp kịp thời các em. Trách nhiệm can thiệp, trợ giúp đối với 2 trẻ em là thuộc về chính quyền phường sở tại nơi xảy ra trường hợp trên.

"Sự hợp tác, mạnh dạn lên tiếng tố cáo của cộng đồng, gia đình, hàng xóm rất quan trọng trong công tác phòng ngừa, can thiệp từ khi sự việc có nguy cơ, chưa xảy ra để hạn chế những sự việc đáng tiếc xảy ra… Khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực thì cần phải thông báo ngay với cơ quan chức năng qua Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111" - ông Đặng Hoa Nam cho biết.