1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cú trượt chân định mệnh khiến chàng công nhân day dứt cả đời

Xuân Hinh

(Dân trí) - Chỉ vài giây lơ là, "mắc lỗi", người công nhân bị tai nạn lao động nghiêm trọng. May mắn được đóng bảo hiểm đầy đủ, gặp nạn trong khi thực hiện công việc, nạn nhân được giải quyết chế độ bảo hiểm...

Cú trượt chân định mệnh khiến chàng công nhân day dứt cả đời - 1

Anh Ngãi dù đã hồi phục thần kỳ nhưng sức khỏe suy giảm nặng sau tai nạn lao động (Ảnh: T.P).

Kỷ niệm buồn

Anh Phan Văn Ngãi (ngụ ấp 2A, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM), từng làm công nhân tại Công ty Cổ phần Tâm Hồng Châu với công việc lắp đặt đồ điện gia dụng.

Năm 2012, khi đang lắp đặt máy lạnh cho khách, anh Ngãi bị ngã từ lầu 5 xuống đất. Cú ngã khiến anh bị gãy cột sống và bể xương chậu. Không chỉ để lại di chứng thương tật cả đời, vụ tai nạn còn khiến bao ước mơ, hoài bão của chàng công nhân dần phai nhạt. 

"Hoàn cảnh gia đình tôi lúc đó vô cùng khó khăn, vợ chồng tôi cùng làm công nhân, lương chẳng đủ nuôi 2 con nhỏ. Sau tai nạn, từ trụ cột gia đình, tôi trở thành gánh nặng cho vợ con", anh Ngãi buồn bã kể lại.

Thời điểm ấy, anh Ngãi tự trách bản thân. Đôi mắt người đàn ông không ít lần ngấn lệ. Ban đầu, việc điều trị gặp khó khăn khiến anh không ít lần chán nản. Sau 3 năm điều trị vật lý trị liệu, sức khỏe anh dần hồi phục. Nỗi day dứt trong lòng chàng công nhân mới vơi bớt.

Cú trượt chân định mệnh khiến chàng công nhân day dứt cả đời - 2

Mỗi năm, hàng trăm công nhân ở TPHCM bị tai nạn lao động, nhiều người bị thương tật cả đời (Ảnh: BVCR cung cấp).

"Thật tình, lúc mới bị tai nạn, tôi không thiết sống nhưng nhờ vợ và các con luôn ở bên cạnh động viên nên tôi có thêm động lực để vượt qua những tháng ngày đau thương", anh Ngãi đăm chiêu nhớ lại.

Được xác định mức độ suy giảm sức lao động trên 31% và được đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đầy đủ, anh Ngãi mới có thể tiếp tục cuộc sống, tìm được hướng thoát cho bản thân, gia đình sau biến cố khủng khiếp từ cú trượt chân định mệnh. 

Được giải quyết chế độ bảo hiểm, anh Ngãi có thể điều trị phục hồi chức năng, sức khỏe dần ổn định hơn. Anh cũng được học nghề để có thể tiếp tục làm việc tại nhà, cùng vợ vận hành máy may gia công. 

Cú trượt chân định mệnh khiến chàng công nhân day dứt cả đời - 3

Tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ là biện pháp phòng ngừa rủi ro hiệu quả với cả người lao động, người sử dụng lao động trong quá trình sản xuất (Ảnh: H. Đông).

Điều kiện được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động 

Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, năm 2021, trên địa bàn TPHCM xảy ra 544 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), rất nhiều người đã mãi mãi ra đi, rất nhiều người chịu thương tật cả đời. 

Từ thực tế này, cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề lao động có hướng dẫn cụ thể về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Theo đó, Điều 45, mục 3, chương III, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp. Trường hợp đầu tiên là bị nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật Lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

Trường hợp gặp tai nạn ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc thì phải do thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

Trường hợp thứ ba là gặp nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

Người lao động phải được giám định, xác định bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn (quy định tại khoản 1 Điều này).

Cú trượt chân định mệnh khiến chàng công nhân day dứt cả đời - 4

Mọi công nhân, người lao động cũng cần nâng cao ý thức về quyền của bản thân được đóng bảo hiểm tai nạn, bệnh nghề nghiệp (Ảnh: Linh Sơn).

Người lao động sẽ không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của luật An toàn vệ sinh lao động.

Đối chiếu theo điểm 3, Điều 45; khoản 1 Điều 40 của Luật An toàn, vệ sinh lao động thì người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân sau như: Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động; Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Linh Sơn