1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Công nhân nghèo: "Không có bảo hiểm có lẽ tôi phải bán nhà để chữa bệnh"

Xuân Hinh

(Dân trí) - Sau khi bị tai nạn lao động phải mổ não, chị Hạnh gần như bị liệt nửa người, sức khỏe suy giảm nghiêm trọng. Nếu không được Bảo hiểm xã hội chi trả, có lẽ chị phải bán căn nhà kỷ niệm của gia đình.

Công nhân nghèo: Không có bảo hiểm có lẽ tôi phải bán nhà để chữa bệnh - 1

Tai nạn lao động khiến một con mắt anh Chinh hư hỏng, một con mắt giảm thị lực (Ảnh: Dương Thùy).

Tai ương bất ngờ ập tới

Hơn 3 năm trước, trong khi làm việc, anh Nguyễn Mạnh Chinh - công nhân Công ty TNHH Sửa chữa Đóng tàu Sài Gòn (TP Thủ Đức) - bị tai nạn lao động nghiêm trọng. Dù không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng anh Chinh bị mù một bên mắt, mắt còn lại nhìn không rõ.

Là công nhân nghèo, khi nghe bác sĩ thông báo chi phí điều trị, anh Chinh gần như gục ngã. Tuy vậy, nhờ có tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN), anh Chinh được bảo hiểm chi trả mọi chi phí. 

"Hơn ba năm qua, trung bình mỗi tháng tôi đi khám một lần. Lúc trở trời, con mắt đau lắm, có khi tôi nằm cả tháng ở bệnh viện. Nhà neo người, vợ tôi còn chăm lo con cái, những lúc đó, công ty đã cử người đến chăm sóc tôi. Tính sơ, thời gian qua, nếu không có bảo hiểm, gia đình tôi sẽ phải chi trả hàng trăm triệu đồng cho tiền thuốc men và đi điều trị bệnh", anh Chinh xúc động, kể lại.

Công nhân nghèo: Không có bảo hiểm có lẽ tôi phải bán nhà để chữa bệnh - 2

Nhờ bảo hiểm chi trả hàng trăm triệu đồng, đời sống anh Chinh bớt khổ cực hơn (Ảnh: Dương Thùy).

Hiện nay, anh Chinh đang hưởng hỗ trợ 1,07 triệu đồng/tháng từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng. Anh Chinh cũng được công ty sắp xếp làm việc tại kho với mức lương đủ sống.

Khoảng 7 năm trước, chị Trần Thị Tuyết Hạnh, công nhân của Công ty TNHH Furukawa Automotive Parts VietNam (FAPV, KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM), bị tai nạn giao thông trên đường đi làm.

Vụ tai nạn khiến chị bị chấn thương sọ não. Để giữ lại mạng sống, chị Hạnh được các bác sĩ mở hộp sọ. Trong một năm, chị Hạnh đã trải qua nhiều đợt phẫu thuật và trị liệu. Sau đó, chị mới có thể ngồi dậy, đi lại được.

Công nhân nghèo: Không có bảo hiểm có lẽ tôi phải bán nhà để chữa bệnh - 3

Vụ tai nạn khiến chị Hạnh gần như liệt nửa người, tổn thương nghiêm trọng nhiều bộ phận cơ thể (Ảnh: Dương Thùy).

Hiện tại, thị lực của chị Hạnh giảm, khả năng nghe kém rồi điếc đặc bên tai trái. Không những thế chị còn bị biến chứng động kinh, tổn thương cột sống, gần như bị liệt nửa người.

"Mọi chi phí chữa bệnh và điều trị bệnh đều được bảo hiểm chi trả và công ty hỗ trợ. Nếu không có bảo hiểm và công ty hỗ trợ, gia đình tôi phải bán nhà cũng không đủ tiền chữa bệnh. Chính vì thế, tôi biết ơn công ty và bảo hiểm nhiều lắm", chị Hạnh bộc bạch.

Có tỷ lệ thương tật trên 60% nên chị Hạnh được bảo hiểm chi trả hơn 1,3 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này với chị là rất quý vì tiền thuốc men của chị hằng tháng là rất lớn. Chị phải chi phí cho châm cứu 100.000 đồng/ngày, tiền thuốc bắc 140.000/thang. Ngoài ra chị Hạnh còn uống thuốc Tây, đi khám bệnh định kỳ để duy trì sức khỏe.

Công nhân nghèo: Không có bảo hiểm có lẽ tôi phải bán nhà để chữa bệnh - 4

Mỗi tháng, chị Hạnh được bảo hiểm chi trả 1,3 triệu đồng (Dương Thùy).

Phao cứu sinh cho công nhân 

Hiện nay, công nhân không may bị tai nạn lao động đa số đều được chi trả bảo hiểm TNLĐ, BNN. Đây là một trong những quyền lợi khi người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội được hưởng khi làm việc trong doanh nghiệp.

Ông Phạm Quang Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH May mặc Dony (huyện Bình Chánh, TP HCM) cho biết, hằng tháng công ty vẫn đóng đẩy đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động, trong đó có bảo hiểm TNLĐ, BNN. Khi người lao động bị ốm đau hay TNLĐ, BNN trong khi làm việc sẽ được công ty hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với người lao động bị TNLĐ, BNN, tùy theo tình trạng nặng hoặc nhẹ đều được công ty hỗ trợ một phần để bồi dưỡng sức khỏe. Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị hồ sơ để nộp lên cơ quan bảo hiểm xã hội, giúp người lao động nhận được chi trả từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, BNN.

Công nhân nghèo: Không có bảo hiểm có lẽ tôi phải bán nhà để chữa bệnh - 5

Công nhân sẽ được bảo hiểm chi trả tùy theo mức độ thương tật khi bị tai nạn lao động.

"Công ty tôi đã từng có công nhân bị tai nạn lao động nhưng đa số là nhẹ như kim khâu đâm vào tay, sứt mẻ móng chân… Có trường hợp công nhân bị tai nạn trên đường đi làm về, sau khi chúng tôi hoàn tất thủ tục, cơ quan bảo hiểm đã chi trả quyền lợi cho người lao động ngay sau vài ngày trình hồ sơ", ông Quang Anh cho biết.

Theo ông Trần Dũng Hà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP HCM, đa số các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đều đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN cho công nhân lao động. Khi doanh nghiệp gửi hồ sơ về tại nạn lao động lên cơ quan bảo hiểm xã hội, công nhân bị TNLĐ, BNN sẽ nhận được quyền lợi sau đó khoảng một tuần.

"Thông thường, người bị tai nạn lao động có mức độ thương tật dưới 30% sẽ được bảo hiểm TNLĐ, BNN chi trả một lần. Riêng đối với người bị tai nạn lao động có mức độ thương tật trên 31% sẽ được cơ quan bảo hiểm chi trả chế độ hằng tháng", ông Hà cho hay.