Thanh Hóa:

Cụ thể hóa các giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em

Bình Minh

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, Thanh Hóa có 102km bờ biển, nhiều sông, hồ, đập... Vì vậy, địa phương cần rà soát, lập bản đồ các khu vực nguy hiểm với trẻ em để có biện pháp khắc phục.

Ngày 10/5, thực hiện Công điện số 398/CĐ-CP ngày 2/5 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, Đoàn kiểm tra liên ngành do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Hà dẫn đầu đã làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Tham gia Đoàn kiểm tra có ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Nguy cơ trẻ bị đuối nước rất cao

Tại buổi làm việc, bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cho biết, từ năm 2020 đến tháng 4/2022, trên địa bàn tỉnh này có hơn 7.500 trẻ em bị tai nạn, thương tích, trong đó có 99 nạn nhân tử vong, riêng tử vong do đuối nước là 80 trẻ (chiếm 80,8%). Tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước có chiều hướng gia tăng.

Cụ thể hóa các giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em - 1

Bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa báo cáo về công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên nhân được cho là do nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn hạn chế, một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, chăm sóc trẻ em. Bên cạnh đó, môi trường sinh sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn; chính quyền cơ sở tại nhiều địa phương trong tỉnh chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói chung và phòng, chống đuối nước trẻ em nói riêng.

Ngoài ra, nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu, hoạt động này chủ yếu được thực hiện lồng ghép trong các chương trình khác nhau. Đặc biệt, việc trẻ đi tắm ở biển, sông, suối, ao, hồ khi chưa biết các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; một số hố công trình không có biển báo, rào chắn cũng là một trong số các nguyên nhân gây đuối nước thường gặp.

Cụ thể hóa các giải pháp phòng, chống đuối nước trẻ em - 2

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cùng đoàn kiểm tra liên ngành làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tăng cường phòng, chống đuối nước ở trẻ em.

Theo ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Thanh Hóa hiện mới có 34% xã đạt xã an toàn với cộng đồng; trường học an toàn mới chiếm trên 70%. Số lượng trẻ em ở Thanh Hóa chiếm 1/4 dân số cả tỉnh nhưng trên địa bàn mới có 270 bể bơi với 29 bể bơi đạt tiêu chuẩn, tập trung đa số ở khách sạn hoặc ở trung tâm văn hóa.

Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, tham mưu trình Chính phủ ban hành đề án phòng, chống đuối nước trẻ em, bước đầu triển khai thí điểm tại một số tỉnh trọng điểm có tỷ lệ đuối nước cao. Bên cạnh đó, tỉnh đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các cơ sở bơi và dạy bơi, đặc biệt vùng khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng mong muốn cần phải ban hành chương trình truyền thông về phòng, chống đuối nước trẻ em nhằm nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội.

Cần cụ thể hóa các giải pháp

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Thanh Hóa trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em và đề nghị địa phương cần thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030; đổi mới và đa dạng hình thức truyền thông, giáo dục, phổ biến để kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến được với cha mẹ, học sinh và cộng đồng dân cư một cách hiệu quả.

Với 102km bờ biển, nhiều sông ngòi, hồ, đập, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo việc rà soát, lập bản đồ các khu vực nước sâu, nguy hiểm gây đuối nước để có biện pháp chủ động khắc phục, phòng ngừa, cảnh báo, cảnh giới; tăng cường và phát huy hiệu quả hơn nữa công tác phối hợp liên ngành, thực hiện trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư nguồn lực xây dựng bể bơi để tăng tỷ lệ trẻ em được dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đồng thời, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia vận động người dân chủ động đưa con đi học bơi và rèn luyện kỹ năng sống.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cùng đoàn công tác đã đi thực địa tại xã Thiệu Duy và làm việc với huyện Thiệu Hóa; dự chương trình "Hành trình cuộc sống".

Ngày 11/5, Đoàn kiểm tra tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về nội dung này.