Cụ ông 112, cụ bà 102 tuổi có 45 chắt, 3 chút với cuộc hôn nhân thế kỷ
(Dân trí) - Cụ ông 112 tuổi và cụ bà 102 tuổi (ở Phú Thọ) có cuộc sống viên mãn bên nhau, chứng kiến sự trưởng thành của con cháu qua năm tháng.
Duyên phận... ở đợ
Nhắc về gia đình, chị Mai Thị Hải Linh (ở Hà Đông, Hà Nội) ngập tràn tự hào về chuyện tình gần một thế kỷ của hai cụ của mình.
Đó là cụ ông Ma Văn Thọ và cụ bà Vũ Thị Tý, hiện sinh sống tại huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Ở tuổi xưa nay hiếm, hai cụ vẫn minh mẫn, quấn quýt bên nhau mỗi ngày.
Hai cụ, một người 112 tuổi, một người 102 vẫn tự chăm sóc nhau bao năm qua, trong căn nhà cũ kỹ vì không muốn phiền hà đến con cháu. ít tháng trước, cả hai mới đồng ý ở với người con trai thứ 3, để gia đình yên tâm.
Là người chắt đã phương trưởng, có cuộc sống, gia đình riêng tại Hà Nội nhưng chị Hải Linh vẫn luôn đau đáu nhớ những chuyến tàu tuổi thơ từ Hà Nội về quê Phú Thọ thăm gia đình mỗi dịp hè, lễ tết. Hải Linh cũng là người chắt được nghe kể nhiều chuyện thân thương về hai cụ của mình.
Cụ ông Ma Văn Thọ là người ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) còn cụ bà Vũ Thị Tý quê gốc Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội). Cơ duyên gặp gỡ của hai cụ đến từ gần một thế kỷ trước, khi cả hai đi ở đợ cho nhà chủ ở tỉnh Phú Thọ. Lúc này, cụ Thọ lấy họ của gia chủ.
Có lần chủ nhà mua ếch về để bà Vũ Thị Tý làm cơm song cô thiếu nữ lóng ngóng khi đó phát hoảng vì không hề biết thịt ếch. Đúng lúc đó anh người ở Ma Văn Thọ đi làm đồng về, Tý cậy nhờ làm giúp số ếch được chủ giao.
"Theo lời kể, cụ ông nhà tôi tếu táo trêu, nếu thịt được ếch, cô Tý thì phải lấy anh Thọ làm chồng", chị Hải Linh kể.
Lần thịt ếch đó đã giúp cụ Thọ nên duyên với cụ Tý. Đến nay, hai cụ đã có ngót nghét một thế kỷ chung sống, gắn bó bên nhau. Hai cụ có 9 người con, 6 trai 3 gái. Chưa kể dâu, rể, hai cụ đã có 25 người cháu, 45 chắt và 3 người chút.
Ở quê nhà, hai cụ làm nông nghiệp, một tay nuôi nấng bầy con trưởng thành như ngày hôm nay. Vợ chồng cụ Thọ gặp không ít những khó khăn với việc nuôi con trong những năm cả nước nghèo khó. Sau tất cả, cuộc sống, gia đình đặc biệt ấy luôn bình an, thanh thản.
Hơn 80 tuổi vẫn nhảy tàu như phim
Ông nội của chị Hải Linh là con trai thứ hai của cụ Thọ, cụ Tý. Ông được điều động về Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) ở để giữ quê hương cho cụ bà. Lúc này, ông của chị cải họ từ họ Ma sang họ Mai. Vì sứ mệnh hồi hương của ông, tuổi thơ của chị Hải Linh quen thuộc, gắn bó với những chuyến tàu Hà Nội - Phú Thọ.
Lúc hơn 80 tuổi, cụ ông Ma Văn Thọ vẫn xuống Hà Nội thăm con trai và đón cháu, chắt về quê nghỉ hè. Chị Hải Linh nhiều lần được nghe kể lại những pha nhảy tàu của cụ cùng các cháu khi về quê.
"Sân ga cách nhà một đoạn khá xa. Tàu chưa kịp đến ga mà đã qua nhà, ngại quay lộn lại, cụ thường ôm chắt nhảy từ tàu xuống đống rơm kề sát đường ray. Những pha nhảy tàu hú hồn đó đến nay vẫn được con cháu kể lại", chị Hải Linh chia sẻ.
Mỗi dịp Tết đến, Xuân về là lúc con, cháu, chắt trong gia đình sum vầy về Phú Thọ. Năm nào cũng vậy, đại gia đình cùng hẹn ngày trở về vào mùng 5 Tết. Ngay từ sáng sớm, cụ ông đã lên đê đứng ngóng, đợi đón con cháu lần lượt kéo nhau về.
Chị Hải Linh chia sẻ, những ngày Tết đối với gia đình chị vô cùng ý nghĩa. Đại gia đình được sum vầy bên nhau, con cháu tíu tít mừng tuổi, trò chuyện với hai cụ. Sau ngày sum họp, đôi vợ chồng già lại mắt ầng ậng nước tiễn đàn con cháu trở lại thành phố.
"Cụ ông đi theo xe tiễn các con, các cháu, đứng nhìn mãi tới khi xe đi khuất hẳn mới quay trở về nhà. Lần ra đi nào lòng cũng bâng khuâng, sống mũi ai cũng cay cay, chỉ mong có nhiều thời gian hơn về thăm hai cụ", chị Hải Linh chia sẻ.
Con cháu đi hết cả, căn nhà lại lặng lẽ với hai thân già, sống hòa thuận, quấn quýt đã mấy chục năm. May mắn đặc biệt là cả hai cụ đều có sức khỏe tốt, tự lo được mọi việc sinh hoạt hằng ngày, chưa từng để phiền đến con cháu.
Hai cụ là chỗ dựa của nhau, nơi san sẻ tình cảm, yêu thương lúc tuổi già. Sự hiền hậu, chịu thương chịu khó của các cụ là tấm gương để con cháu học tập, noi theo.
Đến nay, dù mắt đã mờ, tay đã run song cả hai cụ vẫn nhớ mặt, nhớ tên từng đứa cháu. Chị Hải Linh chia sẻ, chỉ mong hai cụ luôn vui khỏe, để căn nhà mái rạ luôn là nơi trở về đầy yêu thương của mọi thành viên trong đại gia đình.