Bình Định:
Cụ bà 90 tuổi miệt mài đan đồ nhựa để đỡ phụ thuộc, làm phiền con cháu
(Dân trí) - "Trời đất phù hộ cho ngoại còn sức khỏe, con mắt còn thấy nên còn đan nhựa giả mây, kiếm đồng ra đồng vào, đỡ làm phiền con cháu", cụ Lê Thị Hơn 87 tuổi chia sẻ.
U90 vẫn miệt mài với nghề thủ công
Nghề đan gia công bàn ghế nhựa giả mây đang tạo thu nhập cho nhiều lao động, nhất là người cao tuổi, không chỉ vùng nông thôn mà cả thành thị tại Bình Định.
Số tiền kiếm được mỗi ngày tuy không nhiều, chỉ vài chục nghìn đồng song cũng giúp các cụ đỡ phụ thuộc, đỡ tâm lý "làm phiền con cháu".
Ở tuổi gần 90, lẽ ra cụ Lê Thị Hơn (thôn An Sơn, xã Phước An, huyện Tuy Phước) được nghỉ ngơi, vui vầy bên con cháu từ lâu. Tuy nhiên, hàng ngày, bà Hơn vẫn miệt mài với công việc đan lát để "có đồng ra đồng vào", "đỡ lệ thuộc vào con cháu".
"Trời đất phù hộ cho ngoại còn sức khỏe, con mắt còn thấy đường nên cũng gắng làm phụ giúp con cháu. Tuổi già chuyện ăn uống, lúc ốm đau thì con cháu phải chăm lo nhưng có đồng tiền trong túi vẫn hơn. Nhiều khi thèm cái bánh còn có tiền mà mua, chứ không phải đụng cái gì cũng bảo con cháu mua cho, như vậy phiền bọn nhỏ lắm", cụ Hơn nói.
Cụ Hơn nhận xét, nghề đan này rất đơn giản, nhìn qua là làm được nhưng cũng cần sự khéo léo, nhanh tay mới ra được nhiều sản phẩm. Dù chân tay lóng ngóng, làm chậm hơn lớp trẻ, nhưng mỗi ngày đan được 15-20 khung nhựa giả mây, cụ Hơn cũng kiếm được 45.000-60.000 đồng.
"Tuổi già không làm được việc nặng nhưng nếu ít vận động, cứ ăn không ngồi rồi thì cũng mệt mỏi. Công việc này đơn giản, nhẹ nhàng vừa để vận động tay chân, giúp đầu óc minh mẫn, vừa có thu nhập để phòng khi trái gió trở trời, đau ốm có cái mà xoay xở, đỡ cho con cháu phần nào", cụ Hơn nói.
Hiện gia đình cụ Hơn, từ con dâu tới cháu, chắt đều tranh thủ lúc nhàn rỗi, nhận dây nhựa, khung bàn ghế về nhà để làm. Thời điểm hàng nhiều, cả nhà thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Giải quyết việc làm, tăng thu nhập
Ông Đoàn Kim Sanh (56 tuổi, xã Phước An, huyện Tuy Phước) trước đây là thợ may. Sau này, nghề may dần ít khách, ông phải kiếm thêm công việc khác mưu sinh, nhưng tuổi tác lớn, xin đi làm công nhân thì không công ty nào nhận. Ông Sanh cùng vợ nhận đan gia công nhựa giả mây, thu nhập ổn định, bình quân 10 triệu đồng/tháng.
Theo ông Sanh, trước đây, ngoài làm nông, người dân địa phương chủ yếu đi làm công nhân tại các xí nghiệp gỗ, làm đá, may mặc.
Khoảng 2 năm nay, ngành gỗ ở Bình Định có dấu hiệu chững lại, nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng do thiếu đơn đặt hàng. Việc đó đẩy nhiều lao động ở vùng nông thôn, nhất là lao động lớn tuổi lâm cảnh thất nghiệp, buộc phải kiếm nghề khác mưu sinh.
"Mấy năm nay, nhiều lao động nông thôn tìm được việc làm với nghề đan nhựa giả mây, đặc biệt là những lao động lớn tuổi bởi công việc khá nhẹ nhàng. Nhiều hộ gia đình nhờ nghề này mà có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo", ông Sanh chia sẻ.
Ông Sanh chia sẻ thêm, nếu nhận khung đóng sẵn về đan thì không tốn tiền đầu tư, thu nhập theo số lượng sản phẩm và kích cỡ khung đan, tiền công mỗi khung 2.000-4.000 đồng.
Nếu tự làm khung thì đầu tư khoảng 4 triệu đồng mua một bình hơi, súng bắn đinh để hoàn thành các công đoạn bắn đinh cố định khung, tiền công mỗi khung được 15.000-20.000 đồng.
"Với công việc này, vợ chồng tôi rảnh lúc nào làm lúc đó. Việc làm thêm, phù hợp với lao động nông thôn. Thỉnh thoảng có đợt xưởng cần hàng gấp thì mình phối hợp làm ngày làm đêm cho kịp", ông Sanh nói.