1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cụ bà 84 mưu sinh, dầu bắn đỏ mắt vẫn "không muốn là gánh nặng"

PV

(Dân trí) - Đã ngoài 80, bà Tám vẫn miệt mài bán bánh tráng trộn mưu sinh. Đồng tiền kiếm được không dễ, cụ bà vẫn chưa nghĩ dừng việc vì không muốn làm gánh nặng cho ai.

Cứ 18h, người qua lại hẻm 623 đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10, TPHCM) lại thấy bóng dáng của một cụ bà lưng còng cắm cúi ngồi trộn thau bánh tráng.

"Tám ơi, nay khỏe hả Tám?", nghe người hàng xóm gọi bằng cái tên thân thuộc, bà Tám (84 tuổi) ngẩng lên, nhoẻn miệng cười, gật đầu rồi tiếp tục công việc.

Cụ bà 84 mưu sinh, dầu bắn đỏ mắt vẫn không muốn là gánh nặng - 1

Bà Tám bên cạnh quầy hàng bánh tráng trộn tóp mỡ thịt bằm trong con hẻm sâu hút (Ảnh: Trọng Khang).

Hơn 10 năm qua, bà Tám vẫn ở đó. Hàng ăn của bà "sáng đèn" từ 18h đến 22h. Người ta cứ thắc mắc mãi, sao bà cứ chật vật mưu sinh, chưa nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già. Mỗi lần vậy, bà chỉ cười: "Còn sức, còn làm. Có sao đâu!"

Hàng bánh tráng trộn của bà Tám không quá đông, nhưng những người lui tới đều là khách quen thân. Người ta tìm đến nhờ sự hiếu khách, xởi lởi của cụ bà. Cũng nhiều người mê cái món tóp mỡ thịt bằm trong mỗi phần bánh tráng.

"10 năm trước, cháu tôi có cho tôi ăn thử bánh tráng trộn. Tôi ăn mà không thấy hợp khẩu vị nên nảy ra ý tưởng làm món này theo cách của mình. Nghĩ gia đình còn khó khăn, bản thân lại muốn phụ con cháu nên tôi mở hàng bán bánh tráng trộn tóp mỡ thịt bằm", bà Tám chia sẻ.

Thời gian mới mở bán, quầy hàng của bà được nhiều người ủng hộ. Với mức giá 5-10.000 đồng/bịch, quán bán khoảng 60-90 bịch/ngày. Nhờ vậy, bà Tám cũng bỏ túi được vài trăm nghìn đồng, để dành đi chợ.

Quán nằm trong con hẻm sâu, nhiều người trẻ vẫn tìm đến để ủng hộ bà.

Cụ bà 84 mưu sinh, dầu bắn đỏ mắt vẫn không muốn là gánh nặng - 2

Công thức chế biến được bà tự sáng tạo riêng (Ảnh: Trọng Khang).

Trước đây, vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, bà Tám từng phải đổi chỗ bán. Chật vật mãi, bà mới tìm được vị trí nằm sâu trong một con hẻm, trước hiên một căn nhà. Thấy hoàn cảnh bà khó khăn, chủ nhà không lấy tiền cho thuê chỗ, cứ để bà Tám ngồi bán bánh tráng đến giờ.

7h sáng mỗi ngày, bà Tám đi chợ  sau đó một mình chế biến nguyên liệu. Làm xong phần việc của mình, bà còn nấu cơm trưa cho các cháu.

Cụ bà kể có 1 con gái, 5 cháu và nhiều chắt. Bà thủng thẳng nói "chẳng bao giờ xin tiền của người nào, bởi bà tự tin có thể tự kiếm tiền, tự lo cho bản thân".

"Nghe các cháu nói chưa nuôi ngoại được ngày nào, lòng tôi nặng trĩu. Tôi hiểu tấm lòng các cháu nhưng tôi có thể tự bươn chải được. Nhờ bán bánh tráng trộn, tôi có đồng ra đồng vào, tự phục vụ nhu cầu của bản thân, đặc biệt là cà phê, phải 3-4 ly/ngày", bà Tám giải thích.

Cụ bà 84 mưu sinh, dầu bắn đỏ mắt vẫn không muốn là gánh nặng - 3

Bà uống vội ly sữa cháu trai mang cho trong lúc quán ngơi khách (Ảnh: Trọng Khang).

Công việc bếp núc, chiên tóp mỡ mỗi ngày, không hiếm lần bỏng, dầu nóng bắn thẳng vào mắt. Vất vả vậy nhưng cụ bà chưa từng than vãn hay nghĩ đến chuyện dừng việc.

Tuổi già sức yếu, thính lực cụ bà chủ quán ngày càng suy giảm, thường xuyên phải nhờ khách hét lớn khi gọi món. Bà cũng thường quên yêu cầu của khách, phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần. Ấy vậy mà chẳng khách nào nỡ cáu.

"Khách quen biết tôi cả nên ai cũng cảm thông. Có người còn xắn tay trộn bánh phụ giúp tôi nữa", bà Tám chia sẻ.

Cụ bà 84 mưu sinh, dầu bắn đỏ mắt vẫn không muốn là gánh nặng - 4

Cụ bà dựa tạm tấm lưng còng vào cột điện cho đỡ đau mỏi (Ảnh: Trọng Khang).

Bà nói thêm: "Thấy khách hàng ủng hộ như vậy, tôi mừng lắm. Đó là động lực để tôi kiên trì với tiệm bánh mỗi ngày. Tùy tình hình sức khỏe, được tới đâu hay tới đó. Chỉ mong còn sống ngày nào còn bán quán được ngày đó, để khỏi thành gánh nặng cho con cháu".

Trọng Khang