Cụ bà bán bánh bèo chén dành dụm tiền hưởng "tuổi xế chiều"

PV

(Dân trí) - Nối nghiệp mẹ chồng, bà Loan tiếp quản quán bánh bèo chén hơn 4 thập kỷ. Từ quán bánh bèo, bà đã chèo chống, kiếm tiền nuôi cả gia đình bao năm qua.

Hơn 40 năm qua, ngày nào bà Đặng Thị Kim Loan (67 tuổi) cũng cần mẫn với quán bánh bèo chén ở con hẻm 284 Lê Văn Sỹ (quận 3, TPHCM). Ngoài bí quyết chế biến món ăn theo kiểu riêng, nụ cười của bà Loan chính là "đặc sản" níu chân thực khách suốt nhiều năm qua.

Cụ bà bán bánh bèo chén dành dụm tiền hưởng tuổi xế chiều - 1
Bà Loan cùng quầy bánh bèo chén của mình (Ảnh: Trọng Khang).

Mỗi ngày, bà Loan dậy từ 3h30 để chuẩn bị nguyên liệu, giã từng con cá khô, pha mẻ nước chấm, quậy mấy thau bột. Đến 6h30, quán bắt đầu đón những vị khách đầu tiên trong ngày.

Bánh bèo của bà Loan có giá 6.000 đồng/chén, bánh bột lọc có giá 5.000 đồng/chiếc, chả ăn kèm 10.000 đồng/cây. Riêng một phần thập cẩm có giá 50.000 đồng, bao gồm 5 chén bánh bèo, 2 bánh bột lọc và 1 cây chả.

"Tôm cháy là phần tinh túy nhất tại quán. Đa phần khách quay lại bởi thương nhớ hương vị của tôm cháy. Nhờ đó, tôi duy trì được hàng quán của mình tới bây giờ", bà Loan bộc bạch.

Theo bà chủ quán, mỗi ngày có thể bán 2-2,5 kg bột, đỉnh điểm là 3 kg. Trung bình, bà kiếm hơn 3,5 triệu đồng/ngày nhờ hàng bánh bèo.

Thời điểm đông khách nhất của quán là vào buổi sáng. Đa phần khách ăn tại quán là khách "ruột", nhiều khách gia đình 3 thế hệ cùng mê món bánh, thường qua lại góc hè phố quen. 

Cụ bà bán bánh bèo chén dành dụm tiền hưởng tuổi xế chiều - 2

"Mới đây mà tôi đã 67 tuổi, bán bánh từ lúc thẳng lưng đến giờ gù cả rồi", bà Loan nói (Ảnh: Trọng Khang).

Trước đây, mẹ chồng của bà Loan là chủ hàng bánh bèo. Thấy mẹ vất vả, bà quyết định ở nhà phụ mẹ rồi duy trì, phát triển quán đến nay.

Nhớ lại khoảng thời gian đầu theo nghề, bà Loan thấy công việc quá vất vả nhưng cũng lưu luyến, xúc động. Khi ấy, dụng cụ nấu ăn còn thô sơ, bà phải ngày đêm chực chờ bên bếp củi, đầu tóc, mặt mày lấm lem. Cực nhất là những ngày mưa, việc làm bánh thêm nhiều phần vất vả.

Nhiều hôm, bà Loan nuốt nước mắt cùng nước mưa khi quán chỉ vài khách ra vào. Dần dà, nhờ sự kiên trì, bà Loan ngày càng có nhiều "bạn hàng quen".

"Để duy trì được quán lâu như vậy là nhờ vào sự ủng hộ của khách hàng. Vì thế tôi luôn cố gắng đem lại những điều vui vẻ nhất khi khách tới quán. Không cần gì quá cao siêu, đơn giản đó là nụ cười xởi lởi của mình", bà nói.

Cụ bà bán bánh bèo chén dành dụm tiền hưởng tuổi xế chiều - 3
Khung cảnh thường ngày tại hàng quán của bà Loan (Ảnh: Trọng Khang).

Bởi tính tỉ mỉ và chỉn chu trong từng công đoạn, bà Loan tự mình quán xuyến mọi công việc ở quán. Vậy nên, lắm lúc bà cảm thấy tủi thân, mệt mỏi vì việc ngập đầu. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi từ lâu, bà Loan vẫn chật vật làm việc từ sáng đến tối.

"Chồng tôi vốn là cò xe, thu nhập không ổn định nên đã nghỉ việc. Vì thế, tôi phải gánh vác kinh tế gia đình. Hàng bánh bèo là "chén cơm" nuôi cả gia đình nên tôi dốc hết sức vào nó", bà Loan cho hay.

Cụ bà bán bánh bèo chén dành dụm tiền hưởng tuổi xế chiều - 4

Chồng bà Loan phụ giúp vợ phần nào công việc tại quán (Ảnh: Trọng Khang).

May mắn, chồng và con gái cũng thấu hiểu, phụ giúp bà. Hằng ngày, bà Loan ngồi bán, chồng rửa bát, còn con thì chạy bàn, mỗi người một công việc, nương tựa nhau mà sống.

Hằng tháng, bà Loan chia tiền lãi kiếm được từ hàng bánh bèo cho chồng và con. Tiền còn dư, bà dành dụm tích cóp. Số tiền ấy, bà Loan định bụng dành để hưởng tuổi già. Sau ngẫm lại, bà lão 70 thấy chỉ có thể dùng một ít, còn để lo cho các con khi không trông chờ được thêm vào mẹ nữa.

"Tôi muốn gắn bó với công việc này lâu hơn, để được gặp và nói chuyện những khách quen hay lui tới. Thế nhưng, tuổi tác đã cao, sức khỏe thấy xuống nhiều. Tôi định làm thêm năm nữa rồi dừng", bà chủ quán nghèn nghẹn giọng.

Trọng Khang