Hàng bột chiên 30 năm của chị em cụ bà ở vậy nuôi nhau
(Dân trí) - Không lập gia đình, chị em bà Hoa và bà Vân hằng ngày mưu sinh bằng hàng bột chiên. Dù không có con cháu phụng dưỡng, phải tự kiếm tiền dù tuổi đã cao, cả hai vẫn rất lạc quan.
Còn sức còn làm
Hơn 15h, khu chợ Hòa Bình (quận 5, TPHCM) bắt đầu nhộn nhịp người qua lại. Ở góc đường Bạch Vân sát bên khu chợ, hai chị em bà Lý Lệ Thanh (73 tuổi) và Lý Lệ Hoa lật đật dọn hàng bột chiên, chuẩn bị buổi bán hàng thường nhật.
Gọi là quán nhưng hai cụ bà chỉ có một xe đẩy rong và 3 chiếc bàn nhựa, chồng ghế đặt tạm trên vỉa hè. Tấm biển hiệu đề dòng chữ "bột chiên Hai chị em" là thứ được chú ý nhiều nhất.
Tuổi đã lớn, không thể tự mình làm việc nặng nên lúc dọn hàng cả hai phải tập trung, cùng phụ nhau từng chút một, chầm chậm sắp xếp kệ hàng cho ngay ngắn, sạch sẽ. Đây là phần việc cực nhọc nhất mỗi ngày. Tuy nhiên, cả hai chưa từng tỏ vẻ khó chịu, dù việc vất vả hay thực khách khó tính.
Khi vị khách đầu tiên bước vào, bà Hoa vội lau mồ hôi chảy ròng ròng, cười thật tươi, mở lời: "Con ăn ở đây hay mang về? Ngồi chờ một chút, bà làm nhanh lắm con nhé".
Mỗi phần bột chiên giá 28.000 đồng, có đầy đủ món ăn kèm đủ để lấp đầy chiếc bụng đói. Hễ thấy người khó khăn vào quán, hai chị em bà Hoa đều "lén" xắt nhiều bánh, nhân hơn bình thường một chút.
Tại đây, phần lớn người qua lại không lạ gì. Có người đã ăn bánh bột chiên khoảng 10 lần, cũng có người là "bạn hàng quen" suốt 30 năm qua. Những tiểu thương ở chợ khi gọi món sẽ được bà Thanh bưng đến tận nơi.
"Khu chợ này ai cũng từng ăn bột chiên của hai bà. Tôi ăn từ lúc hàng mới mở bán đến tận bây giờ. Món ăn ngon, giá hợp lý, hai bà cũng đã lớn tuổi rồi, chúng tôi thường ủng hộ", một nữ thực khách chia sẻ.
Trong tiếng chiên bột xì xèo, hai chị em bà Hoa vừa làm, vừa nói với nhau đủ chuyện, kể qua lại về những thực khách thường ghé đây ăn và cách làm sao cho món bột chiên ngon hơn hôm qua.
"Chúng tôi bán ở đây hơn 30 năm rồi, hôm ế hàng thì buồn lắm. Vất vả nhất là lúc trời mưa, nước tạt ướt hết cả người. Nhưng cũng có bữa được nhiều người đến ủng hộ, chúng tôi thấy rất hạnh phúc.
Nhiều người hỏi chúng tôi: "Lớn tuổi như vầy mà phải tự kiếm tiền, có thấy tủi thân, cực nhọc không?". Không thể nói không. Nhưng hai chị em tôi lúc nào cũng lạc quan, cứ còn sức thì còn làm, đồng tiền tự làm ra lúc nào cũng quý", bà Hoa nói.
Có nhau là vui rồi
Chị em bà Thanh, bà Hoa sinh trưởng trong một gia đình gốc Hoa có 5 anh chị em. Anh trai bà đã qua đời, một người chị gái đã lập gia đình. Hiện giờ, bà Thanh, bà Hoa và một người em út sống cùng với nhau trong một căn nhà.
Ban ngày, chị Thanh và bà Hoa đi bán bột chiên, còn người em út nhận nhiệm vụ nội trợ, lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa.
Hơn 20 năm trước, hàng bột chiên chỉ có bà Hoa đẩy xe đi khắp thành phố. Khi đó, bà Thanh làm công nhân ở nhà máy.
"Lúc đó tôi rủ chị đi bán cùng nhưng chị không chịu. Tính tôi thích kinh doanh, tự do nên một mình bươn chải. Mãi sau này khi thấy tôi quá vất vả, không đủ sức khỏe đẩy xe đi bán nữa, chị mới nghỉ làm ở công xưởng để cùng tôi tìm chỗ đứng bán", bà Hoa kể.
Cách làm bột chiên là do ba của chị em bà Hoa chỉ dạy vì ông cũng từng đi bán món ăn này ở khu chợ. Chị em bà Hoa nối nghiệp của ba, mải miết làm việc rồi… quên tính chuyện hạnh phúc đời mình.
Hằng ngày, chị em bà kiếm được vài trăm nghìn đồng từ hàng bột chiên. Số tiền không nhiều nhưng cũng đủ để gia đình trang trải qua ngày.
"Chúng tôi không lập gia đình chắc có lẽ vì không có duyên với ai cả. Nhưng như vậy cũng không sao, chị em nương tựa lẫn nhau mà sống. Chúng tôi chưa từng giận nhau quá 5 phút, luôn chăm nhau như thời còn nhỏ, người này bệnh thì có người kia đi mua thuốc", bà Hoa bộc bạch.
Nhờ tính tình hòa nhã, chị em bà Hoa nổi tiếng hòa thuận. Hằng ngày, hai chị em bà chẳng ai lệnh cho ai câu nào, cứ thế mọi việc vẫn đâu vào đấy.
"Không đâu bằng người thân trong gia đình. Cũng sẽ có ngày một trong chúng tôi sẽ phải "rời đi". Cuộc sống lúc ấy sẽ rất buồn, nhưng quan trọng nhất là hiện tại chị em tôi luôn ý thức yêu thương nhau. Ngày xưa cũng hay gây gổ nhưng bây giờ lớn tuổi rồi, càng trân quý tình cảm gia đình hơn", bà Hoa trải lòng.