1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Covid-19 có thể tạo nên 75 triệu "khoảng trống việc làm" toàn cầu

Hoàng Mạnh Hoa Quỳnh

(Dân trí) - Dự báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), "khoảng trống việc làm" do đại dịch Covid-19 gây nên sẽ đạt đến con số 75 triệu trên toàn cầu vào năm 2021, trước khi giảm xuống còn 23 triệu vào năm 2022.

Theo báo cáo triển vọng việc làm và xã hội thế giới của ILO, cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 tạo ra còn lâu nữa mới kết thúc và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại, ít nhất là đến năm 2023. 

Dự báo từ kết quả nghiên cứu cho thấy, "khoảng trống việc làm" do cuộc khủng hoảng toàn cầu gây nên sẽ đạt đến con số 75 triệu vào năm 2021, trước khi giảm xuống còn 23 triệu vào năm 2022.

"Khoảng trống" về thời giờ làm việc, bao gồm cả khoảng trống việc làm và số giờ làm việc bị giảm tương đương với 100 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2021 và 26 triệu việc làm toàn thời gian năm vào 2022.

Covid-19 có thể tạo nên 75 triệu khoảng trống việc làm toàn cầu - 1

Lao động tự do mất việc do Covid-19 được nhận hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.

Thiếu hụt việc làm và thời giờ làm việc sụt giảm cũng bắt nguồn từ tỷ lệ thất nghiệp cao, tình trạng không sử dụng được đầy đủ tiềm năng của lực lượng lao động và điều kiện làm việc kém từ trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.

Do đó, dự kiến của ILO sẽ có 205 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu vào năm 2022, tăng cao so với mức 187 triệu năm 2019. Con số này tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp 5,7%. Không tính đến thời kỳ khủng hoảng Covid-19 thì năm 2013 là lần cuối ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức này. 

Những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm 2021 là châu Mỹ Latinh và Caribê, châu Âu và Trung Á.

Dự báo của ILO, công cuộc phục hồi việc làm toàn cầu sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021 nếu tình hình đại dịch về tổng thể không trở nên tồi tệ hơn.

Ở các khu vực trên, ước tính tổn thất về thời giờ làm việc đã vượt mức 8% trong quý I/2021 và 6% trong quý II/2021. trong khi đó, mức tổn thất về thời giờ làm việc toàn cầu trong quý I/2021 và quý II/2021 lần lượt là 4,8% và 4,4%.

Tuy nhiên, tiến trình phục hồi này sẽ không đồng đều do việc tiếp cận vắc xin không bình đẳng và hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi không đủ khả năng để triển khai các biện pháp kích thích tài khóa mạnh mẽ. Hơn nữa, chất lượng của những việc làm mới tạo ra ở những nước này cũng có khả năng kém hơn. 

Việc làm và thời giờ làm việc giảm kéo theo sự sụt giảm mạnh về thu nhập từ lao động, cùng với đó là sự gia tăng tương ứng về tỷ lệ nghèo. So với năm 2019, giờ đây đã có thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới được phân loại vào nhóm nghèo hoặc nghèo cùng cực.

Theo ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, nếu không có những nỗ lực trọng điểm nhằm đẩy nhanh quá trình tạo việc làm thỏa đáng và hỗ trợ những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, khôi phục những lĩnh vực kinh kế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thì trong nhiều năm tới, thế giới có thể sẽ vẫn còn phải gánh chịu những ảnh hưởng lâu dài của đại dịch.

"Chính vì vậy, chúng ta cần phải có chiến lược toàn diện và đồng bộ, dựa trên những chính sách lấy con người làm trung tâm và được hỗ trợ bởi hành động và kinh phí. Công cuộc phục hồi sẽ không thực chất nếu không phục hồi việc làm thỏa đáng", ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, cho biết.