1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Covid-19 khiến bạo lực gia đình diễn biến phức tạp

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Covid-19 có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống gia đình và xã hội như: phụ nữ mất việc làm, làm việc nhà nhiều hơn, xung đột trong thời gian làm việc tại nhà…

Năm 2021 và đầu năm 2022, cả nước ghi nhận nhiều vụ án liên quan đến bạo lực gia đình rất đau lòng, hầu hết nạn nhân là phụ nữ, trẻ em gái.

Vụ án rúng động gần đây nhất là vụ bé N.A. (3 tuổi) bị người tình của mẹ bắn 9 chiếc đinh vào đầu dẫn đến tử vong xảy ra vào tháng 1 vừa qua tại Hà Nội.

Vụ án gây phẫn nộ trong quần chúng vì bị hại là bé gái mới 3 tuổi, còn chưa nhận thức được thế giới xung quanh đã bị người đàn ông tàn ác đánh đập, hành hạ nhiều ngày, dí súng bắn đinh vào đầu mà bắn đến 9 lần.

Vào tháng 12/2021, tại TPHCM cũng xảy ra vụ án bạo hành gây xôn xao dư luận là vụ bé V.A. (8 tuổi) bị người tình của cha đánh đập, hành hạ trong nhiều giờ dẫn đến tử vong.

Trước đó, bé V.A. đã bị người tình của cha hành hạ trong thời gian dài với nhiều hình phạt nhẫn tâm như nhốt bé trong chuồng cùng với chó, bắt quỳ gối trong tình trạng không mặc quần, bắt quỳ trong chuồng chó…

Covid-19 khiến bạo lực gia đình diễn biến phức tạp - 1

Vụ bé V.A. bị dì ghẻ hành hạ đến chết gây căm phẫn trong dư luận xã hội (Ảnh: Hải Long).

Vào tháng 5/2021, tại Tây Ninh xảy ra một vụ án thương tâm khi bé gái N. (8 tuổi) và mẹ bị chính cha ruột đâm chết ngay tại phòng ngủ. Thông tin ban đầu cho biết, hai vợ chồng thường xuyên cự cãi về chuyện tiền nong, nợ nần dẫn đến việc người chồng bức bối, dự định giết vợ con rồi tự sát.

Theo báo cáo kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái diễn ra khá phức tạp tại một số địa phương, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống gia đình và xã hội.

Covid-19 làm nhiều phụ nữ mất việc làm. Khi ở nhà vì thất nghiệp hay giãn cách xã hội, phụ nữ phải tăng thời gian cho công việc chăm sóc gia đình. Không gian sinh hoạt chật hẹp khiến xung đột gia đình thường xuyên hơn, bạo lực dễ xảy ra…

Cũng theo báo cáo này, tại Hà Nội, năm 2021, Trung tâm cung cấp dịch vụ công tác xã hội tiếp nhận 136 vụ bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình; trong đó, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là 80 vụ.

Tại Hòa Bình có 116 vụ bạo lực gia đình thì 88 nạn nhân là nữ. Tại Tuyên Quang xảy ra 62 vụ bạo lực gia đình, 3 vụ hiếp dâm, 1 vụ giết người (nạn nhân là nữ giới), 16 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em…

Để hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, thực hiện các mục tiêu của chiến lược bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.

Bộ LĐ-TB&XH cũng chỉ đạo các cơ quan liên quan nhân rộng một số mô hình như: Mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới (mô hình Ngôi nhà Ánh Dương); mô hình Đội phản ứng nhanh phòng, chống bạo lực gia đình; phòng ngừa trẻ em bị xâm hại tình dục, phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, bạo hành, mua bán; Phòng ngừa, trợ giúp, giáo dục cảm hóa người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật hoặc chấp hành xong án phạt tù có thời hạn hòa nhập cộng đồng...