Công nhân "toát mồ hôi" tìm trường gửi con
(Dân trí) - Đưa con lên TPHCM ở cùng đã gần một tháng, vợ chồng anh Kiểm vẫn chưa thể "chốt" được trường mầm non để gửi bé gái 3 tuổi. Quá mệt mỏi, vợ anh Kiểm liên tục năn nỉ chồng đưa con về lại quê.
Lo hơn đưa vợ đi... đẻ
Mới 26 tuổi, Nguyễn Anh Kiểm đã có 3 người con, con trai lớn 5 tuổi, con gái giữa 3 tuổi và con gái út chưa đầy 5 tháng. Hai năm trước, Kiểm khăn gói từ Gia Lai xuống Long An làm công nhân ở nhà máy gạch, lương 6 triệu đồng/tháng. Cứ ngày 15 hàng tháng, Kiểm ra ngân hàng gửi 5,5 triệu về cho vợ, giữ lại 500 ngàn để nạp điện thoại và mua thuốc lá.
"Em ăn rồi ở trong nhà máy gạch luôn, họ nuôi ăn ở, chẳng tốn tiền gì. Mỗi năm về thăm vợ con hai lần, lâu lâu vợ nhớ chồng lại xuống đây thăm", Kiểm kể.
Đầu năm nay, nhà máy gạch đóng cửa, Kiểm và một số bạn làm chung lên TPHCM làm phụ hồ, lương 300.000 đồng mỗi ngày, mỗi tuần nhận lương một lần. Kiểm xin chủ thầu cho ở lại công trình để canh vật liệu xây dựng nên không tốn tiền phòng trọ. Ở cùng Kiểm còn có 2 người bạn quê ở Nghệ An.
Đầu tháng 8, vợ Kiểm đòi lên TPHCM để gia đình đoàn tụ. Kiểm đến khu nhà trọ ở Gò Vấp thuê một phòng chừng 8m2 với giá 2,5 triệu đồng/tháng. Vợ chồng gặp nhau, vui vẻ được vài ngày thì bắt đầu lục đục vì chuyện gửi con đi học.
"Em đến trường mầm non gần nhà xin gửi con nhưng bị từ chối vì không có tạm trú. Một số trường thì chi phí lên tới 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng, em lo không nổi. Có vài nơi giữ trẻ của tư nhân giá rẻ thì vợ em không đồng ý vì sợ con bị bạo hành", anh thợ hồ tâm sự.
Gần một tháng qua, vợ chồng Kiểm cứ "chạy tới chạy lui" gần 20 trường mầm non tìm hiểu rồi lại thất thểu ra về. Có tuần, Kiểm phải xin nghỉ làm 3 ngày để đưa vợ đi tìm trường cho con nhưng vẫn không có trường nào phù hợp. Về nhà, vợ chồng lại cãi nhau vì vợ trách Kiểm "không biết tính toán".
"Kiểu này chắc cho vợ con chơi ít bữa rồi lại đưa về quê thôi anh ơi, mệt mỏi quá. Tìm trường cho con mà còn lo hơn đưa vợ đi đẻ, có đêm không ngủ được. Về quê cứ đưa con đến trường của xã gửi là xong, ở đây mình không rành thủ tục, lại không có tiền, quá mệt mỏi", Kiểm buồn bã nói.
Cũng giống như Kiểm, anh Linh (quê Nghệ An) mới đưa con nhỏ 4 tuổi ở quê vào Sài Gòn với bố. Tuy vậy, hơn một tháng, anh Linh phải chuyển trường cho con 3 lần vì "không giống ở quê".
"Công việc của tôi có khi đi làm tới 8h tối mới về, không trường nào họ nhận giữ con dùm. Ở quê mình còn nhờ cô giáo đưa con về nhà rồi tối mình đến đón sau, ở thành phố người ta đâu có chịu. Một số trường họ nhận giữ trẻ khuya thì lại xa nơi mình ở, giá cao. Không biết sắp tới hai cha con phải sống làm sao", chàng công nhân giày da thở dài thườn thượt.
Con công nhân khó gửi trường công
Vừa qua, tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật đối với giáo dục mầm non tại khu công nghiệp, khu chế xuất ở TPHCM, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định, công nhân khó gửi con vào các trường công nên phải gửi ở các hệ thống trường tư.
Hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thời gian đón trẻ ở các trường công đa phần là 16h30, không phù hợp với công nhân. Hầu hết công nhân phải tăng ca tới khuya nên không thể đưa đón con như người làm giờ hành chính. Cùng với đó, trường công lập đòi hỏi cha mẹ trẻ phải có hộ khẩu, tạm trú dài hạn trong khi nhiều công nhân chưa đáp ứng được.
Theo khảo sát, cùng một chất lượng như nhau nhưng hệ thống trường tư có chi phí gửi trẻ cao hơn trường công rất nhiều. Tuy vậy, vì không thể gửi con ở trường công nên nhiều công nhân buộc phải gửi trường tư, hoặc gửi về quê để ông bà chăm sóc dùm.
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần có thêm nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển trường mầm non ngoài công lập tại các khu công nghiệp tại TPHCM. Cơ quan quản lý cũng cần có những giải pháp để doanh nghiệp phải có thêm trách nhiệm trong việc xây dựng các cơ sở trường hợp cho con công nhân.
Tính đến cuối năm học 2021-2022, TPHCM có hơn 3.100 cơ sở giáo dục mầm non nhận gần 305.000 trẻ. Trong đó các địa bàn có khu chế xuất, công nghiệp như Tân Phú, Bình Tân, huyện Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, TP Thủ Đức... có hơn 770 trường và gần 1.180 nhóm lớp tư thục nhận hơn 142.000 trẻ.
Hiện, TPHCM có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với gần 278.000 công nhân, trong đó trên 53% là nữ và phần lớn trong độ tuổi sinh con. Tuy vậy, trong nội bộ và liền kề các khu công nghiệp chỉ mới có 24 trường mầm non, đáp ứng chỗ học cho gần 8.900 trẻ.