1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Công nhân nghỉ việc là rút bảo hiểm, không dám bảo lưu vì sợ bị trừ lương?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Cán bộ công đoàn một công ty da giày lớn cho biết nhiều công nhân nghỉ việc là rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, không dám bảo lưu BHXH vì sợ mỗi năm nghỉ sớm sẽ bị trừ 2% lương hưu.

Tại hội thảo lấy ý kiến người lao động về chế độ BHXH một lần trong dự án Luật BHXH (sửa đổi) mới đây, đại diện công đoàn cơ sở một công ty da giày đóng tại quận Bình Tân (TPHCM) nêu thắc mắc về quy định trừ 2% tỷ lệ hưởng lương hưu cho mỗi năm nghỉ hưu sớm.

Theo nữ cán bộ công đoàn, hiện rất nhiều công nhân tại công ty bàn tán về quy định này. Nhiều lao động cho biết sẽ lãnh BHXH một lần sau khi nghỉ việc vì sợ bảo lưu BHXH, đến khi hưởng hưu trí thì lương hưu cũng đã bị trừ hết.

Chị này lấy ví dụ: "Như tôi đóng BHXH 22 năm, khi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu là 59% bình quân tiền lương đóng BHXH. Bây giờ tôi 40 tuổi, còn 20 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu. Nếu bây giờ tôi nghỉ việc, bảo lưu BHXH đến lúc lãnh lương hưu, bị trừ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi là 2% thì mất 40%. Như vậy thì lương hưu của tôi đâu còn bao nhiêu".

"Cách hiểu của tôi như vậy có đúng không? Nếu đúng thì cần sửa đổi quy định này để người lao động không rút BHXH một lần vì sợ bị trừ lương hưu", nữ cán bộ công đoàn đề nghị.

Công nhân nghỉ việc là rút bảo hiểm, không dám bảo lưu vì sợ bị trừ lương? - 1

Nhiều lao động nghỉ việc là rút BHXH một lần vì hiểu sai quy định giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Chia sẻ tại một chương trình tọa đàm về BHXH ở TPHCM đầu năm 2023, anh T. cho biết đã đi làm và đóng BHXH bắt buộc từ năm 20 tuổi, đến nay đã đóng BHXH được 14 năm nhưng anh muốn nghỉ việc để rút BHXH một lần. Nguyên nhân anh T. muốn rút BHXH một lần vì sợ bị trừ tỷ lệ lương hưu nếu nghỉ hưu sớm.

Anh T. tính: "Khỏe lắm thì 50 tuổi cũng phải nghỉ công nhân. Lúc đó, tôi nghỉ việc thì đã đóng BHXH được 30 năm, lương hưu sẽ là 65% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nhưng mỗi năm nghỉ việc sớm thì bị trừ 2%. Tôi nghỉ sớm 12 năm thì bị trừ 24%. Như vậy lương hưu chỉ còn 41%, làm sao đủ sống?".

Nói về những băn khoăn của các công nhân, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định, trong các trường hợp trên, người lao động đã hiểu sai quy định giảm trừ tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu sớm.

Ông Cường chỉ rõ, theo luật BHXH hiện hành, đối với các trường hợp nghỉ việc hưởng lương hưu do suy giảm khả năng lao động thì mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định sẽ bị giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu là 2%.

Quy định này áp dụng trong trường hợp là nghỉ hưởng, tức là tính tại thời điểm nghỉ việc là đồng thời người lao động được hưởng lương hưu ngay thì khi tính lương hưu mới áp dụng quy định giảm trừ tỷ lệ hưởng lương hưu trên.

Còn đối với những lao động nghỉ việc khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu, sau đó bảo lưu quá trình tham gia BHXH chờ đến khi đủ tuổi nghỉ hưu quy định để hưởng lương hưu thì không bị giảm trừ tỷ lệ lương hưu.

"Trong trường hợp này, lúc người lao động hưởng lương hưu là hưởng đủ tuổi chứ không phải hưởng sớm, mặc dù người lao động đã nghỉ việc trước đó", ông Cường cho biết.

Mức lương hưu chỉ bị giảm trừ khi người lao động thuộc các trường hợp được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu quy định và được hưởng lương hưu ngay từ thời điểm nghỉ việc. Ưu tiên nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu quy định chỉ dành cho những người lao động làm việc lâu năm ở các ngành nghề độc hại, nguy hiểm, vùng đặc biệt khó khăn…