1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Công nhân nghèo vẫn không đủ điều kiện mua nhà xã hội, dự án lại ế nhà

Lê Hoa

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội nêu nghịch lý, nhiều công nhân không có chỗ ở, muốn mua nhà ở xã hội nhưng không đủ điều kiện. Ngược lại, chủ đầu tư dự án đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng.

Ít công nhân đủ điều kiện mua nhà xã hội

Thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều 31/5, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho biết, đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt. Đây là nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa tạo công ăn việc làm mới, thúc đẩy tăng trưởng vừa đảm bảo an cư cho người lao động.

Tuy nhiên, từ thực tiễn của tỉnh Bắc Giang, đại biểu này cho biết, đề án hiện gặp thách thức trớ trêu, đó là căn hộ làm ra, công nhân muốn mua nhưng lại không đủ điều kiện.

Lý do, hầu hết người lao động không đáp ứng điều kiện "không có nhà ở, đất ở nào khác". Đại biểu Thinh dẫn chứng, dự án nhà ở xã hội ở thị trấn Nếnh (Việt Yên, Bắc Giang), giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ, giá bán 12,3 triệu đồng/m2, đang hoàn thiện để đi vào sử dụng. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm từ khi công bố nhận hồ sơ, đến nay mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.

Công nhân nghèo vẫn không đủ điều kiện mua nhà xã hội, dự án lại ế nhà - 1

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Ảnh: Quochoi.vn).

Với tình hình như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện.

Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất, cần mở rộng ngay điều kiện đối tượng mua, thuê với ưu tiên xếp sau 10 đối tượng hiện đã quy định tại Luật Nhà ở. Đó là các công nhân có thu nhập thấp và chủ doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho công nhân của mình ở đều có thể là khách hàng. 

Người lao động muốn tiếp cận nhà ở xã hội

Cũng thảo luận tại nghị trường, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) ghi nhận phản ánh số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại thị trường giảm, tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ. Số doanh nghiệp phá sản tăng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập, tình hình rút bảo hiểm xã hội một lần vẫn đang tăng.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từ tháng 9/2022, có 549.000 nghìn lao động bị ngừng việc. Thất nghiệp, thiếu việc làm dẫn đến tình trạng mất an toàn xã hội, gây nguy cơ tăng tỷ lệ tội phạm, vi phạm pháp luật. 

Công nhân nghèo vẫn không đủ điều kiện mua nhà xã hội, dự án lại ế nhà - 2

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu cho biết, cử tri, người lao động đang rất mong chờ các quyết sách để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đặc biệt là muốn được tiếp cận với nguồn nhà ở xã hội. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá toàn diện hơn về vấn đề này, phân tích rõ độ vênh trong các báo cáo của Chính phủ với các số liệu thực tế về tình hình kinh tế, sản xuất công nghiệp, lao động việc làm.

Từ đó, theo dõi sát sao, nhìn nhận cầu thị tình hình thực tiễn, phân tích rõ các nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm. Như vậy, mới chủ động, kịp thời đề ra các giải pháp căn cơ, giải quyết hiệu quả tình hình lao động việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nhìn nhận rõ trách nhiệm nguyên nhân, hạn chế tồn tại thuộc về chủ quan.

Cũng theo đại biểu, cần có chính sách tăng cường sức khỏe của doanh nghiệp, tiếp nhận kiến nghị đối thoại doanh nghiệp đối diện muôn vàn khó khăn. Mong Chính phủ có chính sách khả thi tiếp sức cho doanh nghiệp.