Công nhân mong nghỉ hưu sớm
(Dân trí) - Gần 20 năm làm công nhân may, đã đóng bảo hiểm xã hội 15 năm, chị Thanh rất mong được nghỉ hưu vì sức khỏe hiện giảm sút rõ rệt.
Được nghỉ hưu sớm, mong mỏi của không ít công nhân
Chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1979, quê Nghệ An) vào TPHCM làm công nhân may từ năm 2006. So với đồng nghiệp, chị Thanh được coi là người có thâm niên lâu năm nhất nhì công ty.
Chị độc thân, lại bị tật ở chân nên đi lại có phần khó khăn. Những năm qua, chị đã cố gắng vượt lên chính mình để cần mẫn làm việc, không thay đổi công ty để thời gian đóng bảo hiểm được liền mạch.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, sức khỏe của chị không được tốt, đôi chân của chị thỉnh thoảng phát bệnh. Nhiều hôm chị phải xin nghỉ tăng ca vì mệt.
"Trước đây, khi còn trẻ, đi làm lúc nào cũng chỉ mong được tăng ca, thêm chút tiền cho cuộc sống bớt khổ. Giờ có tuổi rồi, tôi không thể sung sức như hồi đó được", chị Thanh bộc bạch.
Nhiều khi nghĩ về quãng thời gian đi làm của mình, chị Thanh muốn được nghỉ ngơi. Tính ra, thời gian đóng bảo hiểm của chị cũng ngót nghét 15 năm.
Mới đây, khi biết được thông tin, thời gian đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu được đề xuất giảm xuống mức 15 năm thay vì 20 năm như hiện nay, chị Thanh mừng lắm.
Chị thấy mong muốn sẽ sớm thành hiện thực nếu đề xuất được thông qua.
Anh Nguyễn Mạnh Chinh - làm việc tại một công ty sửa chữa đóng tàu tại TP HCM bị tai nạn lao động khi làm việc. Từ khi bị tai nạn, thị lực của anh giảm rõ rệt. Công việc trong gia đình một tay vợ anh lo toan. Công ty cũng tạo điều kiện để anh làm công việc phù hợp với sức khỏe.
Tính đến nay, thời gian đóng bảo hiểm của anh được hơn 13 năm. Nếu như thời gian đóng bảo hiểm giảm xuống còn 15 năm sẽ được nhận lương hưu thì chỉ cố gắng 2 năm nữa là anh đủ điều kiện.
"Tôi cũng mong được làm việc để có thêm thu nhập hỗ trợ gia đình nhưng sức khỏe không cho phép nên đành chịu. Nếu được về hưu sớm, tôi có thể dành thời gian chăm lo cho gia đình. Lương hưu sẽ là một phần không nhỏ để giúp gia đình tôi trang trải cuộc sống", anh Chinh bộc bạch.
Điều kiện an sinh xã hội cải thiện, giảm rút BHXH một lần
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức hưởng lương hưu trung bình hiện nay khoảng 5,4 triệu đồng/tháng. Đây là mức cao hơn thu nhập bình quân của người dân năm 2021 (4,2 triệu đồng/tháng).
Mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu. Lương hưu được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống. Mới đây nhất, lương hưu được điều chỉnh tăng với mức chung 7,4%, từ ngày 1/1/2022.
Theo ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, việc giảm điều kiện đóng bảo hiểm của người lao động từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu thể hiện sự quan tâm đến đời sống của người lao động. Với điều kiện này, nhiều người lao động sẽ được hưởng lương hưu hơn, an sinh xã hội cũng được đảm bảo hơn.
Bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian về sau, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ Bảo hiểm y tế chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình).
Bà Lê Thị Thu Cúc - Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Long An nhận định, đề xuất giảm thời gian được hưởng lương hưu xuống 15 năm sẽ giúp người lao động đảm bảo quyền lợi. Đây cũng là biện pháp nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp với xu hướng chung của sự phát triển. Đặc biệt đề xuất mới này sẽ giúp tỷ lệ rút bảo hiểm xã hội một lần trong công nhân lao động giảm đáng kể.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Luật BHXH (sửa đổi) sẽ rút ngắn thời gian đóng từ 20 xuống 15 năm, tiến tới 10 năm, đồng thời thiết kế lại mức hưởng, tỷ lệ hưởng.
Linh Sơn