Nghiêm cấm mua, bán sổ bảo hiểm giúp người lao động bớt thiệt thòi

Xuân Hinh

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, sổ bảo hiểm xã hội ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm của người lao động nên không thể là thứ hàng hóa để mua bán. Khi bán sổ bảo hiểm, lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Sổ bảo hiểm được "săn đón"

Nghiêm cấm mua, bán sổ bảo hiểm giúp người lao động bớt thiệt thòi - 1

Nở rộ nhiều dịch vụ mua, bán sổ bảo hiểm xã hội công khai.

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid -19, nhiều công nhân khó khăn, các trang mạng xã hội "thu mua, thanh lý bảo hiểm xã hội giá cao" mọc lên như nấm. Sau đó, với vài "chiêu trò", bên mua sẽ trực tiếp làm thủ tục nhận tiền từ cơ quan bảo hiểm xã hội với giá thấp hơn rất nhiều giá trị người lao động được thụ hưởng.

Tại một số tỉnh phía Nam có đông người lao động như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, tình trạng trên là một vấn đề nhức nhối.

Anh Nguyễn Văn Huệ (SN 1987, quê Nam Định) đã có hơn 8 năm đóng bảo hiểm xã hội. Trước đây, anh Huệ làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) nhưng nay đã chuyển vào TPHCM lập nghiệp. 

Trong thời gian vào TPHCM tìm việc mới, anh Huệ cũng nhiều lần được các đối tượng "lạ" hỏi mua sổ bảo hiểm. Thỉnh thoảng, trên mạng xã hội anh cũng đọc được những thông tin về mua bán sổ bảo hiểm xã hội thông qua hình thức ủy quyền.

"Tôi làm công nhân và được đóng bảo hiểm hơn 8 năm. Lúc đó khó khăn, dịch bệnh, lại mới chuyển vào TPHCM sinh sống, tôi cũng được mời chào bán sổ bảo hiểm. Nhưng tôi không đồng ý, tôi thấy rằng việc này rủi ro rất lớn đối với bản thân mình", anh Huệ bộc bạch.

Tuy vậy, theo anh Huệ, anh biết không ít người lao động đã bán sổ bảo hiểm. Một số người bán do quá cần tiền để chi tiêu cá nhân, một số người bán vì bị dụ dỗ. Hầu hết những người bán sổ bảo hiểm xã hội đều không hiểu hết được những thiệt hại sau này. 

Nghiêm cấm mua, bán sổ bảo hiểm giúp người lao động bớt thiệt thòi - 2

Nhiều lao động chấp nhận bán sổ bảo hiểm chỉ bằng phần nhỏ giá trị thực.

Chị Trần Hạnh, làm công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM) chia sẻ, bảo hiểm xã hội đã giúp chị rất nhiều trong cuộc sống. Cách đây hơn 5 năm, chị bị tai nạn lao động, không những được công ty và bảo hiểm chi trả tiền viện phí, thuốc thang mà còn được nhận hỗ trợ hàng tháng. Với chị, sổ bảo hiểm là tài sản quý, là "bùa hộ mệnh" cho bản thân chị lúc ốm đau, khi về già.

Theo số liệu từ cơ quan bảo hiểm xã hội TPHCM, năm 2021 có 811 trường hợp ủy quyền nhận bảo hiểm một lần. Trong 4 tháng đầu năm 2022 có 297 trường hợp ủy quyền nhận bảo hiểm một lần. Tính từ ngày 01/01/2021 đến 30/04/2022 đã có 1.108 trường hợp ủy quyền nhận bảo hiểm một lần.

Cấm mua bán sổ bảo hiểm là cần thiết 

Nghiêm cấm mua, bán sổ bảo hiểm giúp người lao động bớt thiệt thòi - 3

Theo các chuyên gia, việc cấm mua, bán sổ bảo hiểm là cần thiết.

Ông Đinh Sỹ Phúc - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Taekwang Vina (Đồng Nai) cho rằng, việc cấm mua, bán sổ bảo hiểm có mục đích và ý nghĩa rất tốt, nên sớm được đưa vào luật. Nếu cấm được hoàn toàn hoạt động này thì quyền lợi của người lao động sẽ được đảm bảo.

Thực tế, khi người lao động bán sổ bảo hiểm cho bên thứ ba thì số tiền họ nhận được sẽ không thể bằng số tiền thực tế mà cơ quan bảo hiểm chi trả. Như vậy là rất thiệt thòi. 

"Đề xuất đề xuất nghiêm cấm mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức là cần thiết", ông Phúc khẳng định.

Hàng năm công ty Taekwang Vina vẫn tổ chức các buổi tuyên truyền đến người lao động nhiều thông tin về bảo hiểm xã hội. Đặc biệt là lợi ích khi đóng bảo hiểm, không rút bảo hiểm một lần để đảm bảo chế độ lương hưu sau này…

Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM Phan Văn Mến cho rằng, việc đề xuất cấm mua, bán sổ bảo hiểm là đúng đắn. Sổ bảo hiểm xã hội sẽ ghi nhận quá trình tham gia bảo hiểm của cá nhân người lao động. Cho nên, sổ bảo hiểm không thể là một thứ hàng hóa để mua bán.

Người lao động bán sổ bảo hiểm sẽ bị thiệt thòi rất nhiều, ví dụ như không được nhận lương hưu, không có thẻ bảo hiểm y tế và không được chăm lo các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội. Đặc biệt khi về già, người lao động sẽ không thể tham gia câu lạc bộ hưu trí, cuộc sống sẽ phụ thuộc vào con cháu.

Ông Mến cho biết thêm, cơ quan bảo hiểm TPHCM thường xuyên tuyên truyền đến người lao động về việc không nên buôn, bán sổ bảo hiểm thông qua hình thức ủy quyền.  Đồng thời, người lao động cần tỉnh táo để tránh bị kẻ xấu lợi dụng, trục lợi từ sổ bảo hiểm xã hội. 

Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành địa phương xây dựng, trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trong đó đề xuất bổ sung quy định nghiêm cấm đối với hành vi mua bán sổ bảo hiểm xã hội dưới mọi hình thức.