1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Công nhân mổ u não được nghỉ ốm đau 7 ngày hay 180 ngày?

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Sau ca mổ u não, chị Thư được bác sĩ cấp giấy cho nghỉ ốm 7 ngày, nếu muốn nghỉ thêm phải đi tái khám và xin giấy khác. Chị thắc mắc như vậy có đúng không?

Chị Thư là công nhân một công ty dịch vụ công ích tại TPHCM, mổ u não từ tháng 9/2022 đến nay vẫn chưa đi làm lại được.

Chị Thư không biết với tình trạng bệnh của mình thì được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) bao nhiêu tháng và mỗi tháng được hưởng bao nhiêu % lương cơ bản.

Ngoài ra, chị thắc mắc về việc mỗi lần đi khám bệnh, bác sĩ chỉ cấp cho chị giấy nghỉ ốm tối đa là 7 ngày. Hết thời hạn nghỉ ốm trên, chị phải đi khám lại và xin giấy khác.

Chị Thư hỏi: "Đối với giấy xác nhận nghỉ ốm thì mỗi lần được cho nghỉ ốm tối đa bao nhiêu ngày?".

Công nhân mổ u não được nghỉ ốm đau 7 ngày hay 180 ngày? - 1

Chế độ ốm đau hỗ trợ rất nhiều cho người lao động khi chẳng may mắc bệnh u não (Ảnh minh họa: Vân Sơn).

Theo BHXH Việt Nam, Khoản 1 Điều 26 Luật BHXH năm 2014 quy định về thời gian hưởng chế độ ốm đau thông thường trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc, tối đa từ 30 ngày đến 70 ngày tùy thuộc vào điều kiện làm việc và thời gian đóng BHXH (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).

Khoản 2 Điều 26 Luật BHXH và Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định trường hợp người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành. Bạn đọc có thể tham khảo danh mục 332 bệnh cần chữa trị dài ngày TẠI ĐÂY.

Trong trường hợp này, người lao động được hưởng chế độ ốm đau tối đa là 180 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần). Hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn, thời gian hưởng tiếp tối đa bằng thời gian đã đóng BHXH bắt buộc.

Về mức hưởng, BHXH Việt Nam cho biết: "Theo quy định tại Khoản 1 Điều 28 Luật BHXH năm 2014 thì mức hưởng trợ cấp ốm đau tính theo tháng, mỗi tháng bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc".

Cơ quan BHXH căn cứ mức hưởng theo tháng trên để tính ra mức hưởng trợ cấp ốm đau một ngày. Mức hưởng một ngày được tính bằng mức trợ cấp ốm đau theo tháng chia cho 24 ngày.

Trường hợp người lao động nghỉ việc kéo dài do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì mức hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật BHXH năm 2014 và Điểm a Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH.

Công nhân mổ u não được nghỉ ốm đau 7 ngày hay 180 ngày? - 2

Về thời gian được nghỉ trong giấy nghỉ ốm, BHXH Việt Nam cho biết được quy định tại Phụ lục 3 (mẫu giấy ra viện) và Phụ lục số 7 (mẫu giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH) của Thông tư số 56/2017/TT-BYT.

Theo đó, Giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH đối với thời gian điều trị ngoại trú như sau: "Trường hợp người bệnh cần nghỉ để điều trị bệnh hoặc để ổn định sức khỏe sau khi điều trị nội trú: Ghi rõ số ngày mà người bệnh cần nghỉ để điều trị ngoại trú sau khi ra viện. Việc quyết định số ngày nghỉ phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh nhưng tối đa không quá 30 ngày".

Như vậy, số ngày nghỉ sau mỗi lần khám chữa bệnh sẽ do bác sĩ điều trị quyết định căn cứ vào tình trạng sức khỏe của người bệnh.

Chế độ ốm đau đặc biệt quan trọng đối với người mắc bệnh hiểm nghèo

Theo Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH, thời gian hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày có thể kéo dài nhiều năm, tùy vào thời gian người lao động đã đóng BHXH bắt buộc.

Ví dụ trường hợp bà Nguyễn Thị A, có thời gian đóng BHXH bắt buộc được 3 tháng, mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa của bà A tối đa là 180 ngày. Sau khi hưởng hết thời hạn 180 ngày mà vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng 3 tháng.

Trường hợp ông B có thời gian đóng BHXH bắt buộc là đủ 1 năm, mắc bệnh cần chữa trị dài ngày. Ông B đã hưởng hết 180 ngày đầu tiên, sau đó vẫn tiếp tục điều trị thì được hưởng trợ cấp với mức thấp hơn nhưng tối đa là 1 năm.

Sau khi điều trị bệnh ổn định, ông B trở lại làm việc và đóng BHXH đủ 2 năm thì tiếp tục nghỉ việc để điều trị bệnh. Lúc này, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau tối đa của lần điều trị này đối với ông B sẽ là 180 ngày và 3 năm. Lý do là thời gian đóng BHXH để tính thời gian hưởng tối đa sau khi đã nghỉ hết 180 ngày là tổng thời gian đã đóng BHXH.