Công nhân mơ nhà gửi trẻ
(Dân trí) - Chấp nhận tạm nghỉ việc ở nhà trông con hoặc phải gửi con về quê hay nhờ bà tới ở cùng trông cháu... tình cảnh này đang diễn ra với hầu hết công nhân tại các khu công nghiệp tại Nghệ An.
Gần nhà mà vẫn xa... con
Từ sau Tết Nguyên đán, chị Hà Thị Phượng và anh Lô Việt Cường (quê ở huyện Quế Phong, Nghệ An) gửi con gái 2 tuổi ở nhà để tới khu công nghiệp Vsip kiếm việc làm. Chị Phượng làm việc tại Công ty IMS Việt Nam, chồng làm việc Công ty THHH Mai Ninh. Công ty ít yêu cầu tăng ca nên mức thu nhập chỉ khoảng 10-11 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng tiết kiệm hết mức để mong có thêm đồng gửi về cho bà cháu ở trên quê và tích lũy chút ít phòng lúc có việc đột xuất.
Thời gian đầu, đêm nào Phượng cũng khóc vì nhớ và thương con, đòi chồng mang con xuống nhưng xuống thì biết gửi ở đâu? Bởi vậy, mỗi ngày, cả gia đình chỉ có thể sum họp vào bữa ăn tối qua chiếc điện thoại. "Thương con lắm chị ạ nhưng không biết làm cách nào khác", Phượng nói mà nước mắt cứ chực rơi.
Làm việc tại Hà Nội nhưng khi lập gia đình, chị Nguyễn Thị Hậu (quê Thanh Chương, Nghệ An) quyết định về quê. Cưới nhau xong thì chị Hậu mang bầu, ở nhà dưỡng thai và sinh con, chỉ mình chồng chị, anh Nguyễn Hoàng Yên đi làm tại Công ty TNHH Luxshare Nghệ An. Hai vợ chồng thuê trọ tại cách nhà máy hơn một cây số. Hiện cháu bé đã được 16 tháng tuổi, chị Hậu cũng muốn gửi con để đi làm nhưng chưa tìm được cơ sở thích hợp, trong khi gửi ở nhóm trẻ, nhờ người không chuyên trông nom lại không yên tâm.
"Vừa rồi tôi tính nhờ bà nội xuống trông cháu một thời gian để cháu cứng cáp hơn tí rồi mới dám mang gửi trẻ nhưng bà lại đau bệnh đột ngột, phải đi viện điều trị dài ngày. Không tìm được nơi gửi trẻ, tôi vẫn phải nghỉ làm thêm một thời gian nữa để trông con", chị Hậu cho hay.
Chi phí sinh hoạt, thuê trọ, bỉm sữa cho con đều trông chờ vào đồng lương của anh Yên nên cũng phải tiết kiệm hết mức, giật gấu vá vai mới đủ.
Mấy tháng nay, bà Nguyễn Thị Hải (trú tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) phải tạm gác công việc ruộng nương, đồng áng xuống thành phố trông cháu. Vợ chồng con gái bà Hải hiện là công nhân Công ty Luxshare Nghệ An.
"Sinh thằng đầu được một thời gian thì hai vợ chồng nó đi Trung Quốc làm thuê, rồi về làm công nhân ở Bắc Ninh, hai năm trước thì quyết định về Nghệ An làm cho gần nhà, gần con", bà Hải kể.
Tiếng là gần con nhưng anh Nguyễn Văn Nam, chị Nguyễn Thị Sen vẫn phải tiếp tục gửi con trai đầu lòng cho ông bà nội trông nom. Hai vợ chồng tăng ca liên tục nên cũng không mấy khi có thời gian về thăm con, cầu nối duy nhất là chiếc điện thoại. Công ty có ký túc xá nên anh Nam, chị Sen ở ký túc để tiết kiệm chi phí, tiếng là vợ chồng nhưng mỗi người ở mỗi khu riêng biệt.
Sau 10 năm chắt bóp, chị Sen mới dám sinh cháu thứ 2. Hai vợ chồng dọn ra phòng trọ nhỏ gần công ty để ở. Chị Sen sinh con, bà nội, bà ngoại phải thay nhau xuống hỗ trợ nên phải thuê phòng trọ khác, rộng hơn, tính cả điện nước cũng ngót 2 triệu đồng/tháng.
Chị Sen đi làm lại, bà Hải xuống ở hẳn trông cháu. Đợt vừa rồi được nghỉ hè, thằng bé đầu xuống chơi với bố mẹ và em, thành ra gian nhà trọ bé tí có 5 người ở, chật chội, bất tiện đủ đường.
"Nay cháu được 7 tháng rồi, cho bú mẹ đến một tuổi chắc cũng phải cai sữa rồi đưa về trên quê nhờ bà nội thôi. Tôi còn ruộng vườn nữa, không thể ở mãi dưới này. Giá có cái nhà trẻ cho con em công nhân lao động chứ con cái cứ gửi hết về cho ông bà thì thương cháu, thương bố mẹ chúng, tội cả ông bà, già cả rồi mà cứ chịu cảnh con mọn", bà Hải tâm sự.
Mơ nhà gửi trẻ cho con công nhân
Mong muốn con cái được ở gần bố mẹ, nhiều gia đình công nhân tại Nghệ An chấp nhận bỏ một khoản tiền từ 1,3-1,5 triệu đồng để gửi con tại các cơ sở trông giữ trẻ. Thế nhưng việc tìm được một nơi vừa gần chỗ làm, chi phí có thể chấp nhận được cũng không hề đơn giản khi các cơ sở trông giữ trẻ tại các khu công nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, quy mô nhỏ. Ngay cả khi tìm được chỗ gửi con thì giờ giấc làm việc của công nhân cũng khó để sắp xếp đưa, đón theo thời gian đón, trả trẻ của các nhà trẻ được.
Gửi con về quê, cứ 1-2 tuần, vợ chồng chị Phan Thị Na (Công ty TNHH Minh Anh Kim Liên, KCN Bắc Vinh, Nghệ An) khăn gói chạy cả trăm cây số về thăm con. Mới đây, chị quyết định đón bé Tin xuống, gửi ở một trường trẻ tư gần nhà với mức học phí 1,8 triệu đồng/tháng, ngót 1/4 thu nhập của mẹ.
Mà gửi con đi nhà trẻ đâu có đơn giản. Sáng hai mẹ con cuống cuồng đưa nhau đi để chị kịp giờ vào ca làm, còn chiều, hầu như hôm nào bé Tin cũng là học sinh ở lại lớp cuối cùng.
"Nhiều hôm đến trường chỉ thấy mỗi con mình đang ngồi chờ, con thấy mẹ thì tủi, khóc, mẹ nhìn con cũng rơi nước mắt nhưng biết làm thế nào được. Đó là chưa kể có hôm vợ tăng ca, chồng không thể xin nghỉ sớm thì con phải nhờ bác chủ nhà hay hàng xóm đón hộ. Nhờ một vài lần chứ đâu nhờ được suốt", chị Na trải lòng.
Ông Hoàng Văn Lục - chủ một dãy nhà trọ gần Khu công nghiệp Vsip Nghệ An cho rằng, trong vài ba năm tới, khi số lượng các gia đình công nhân tăng lên, đồng nghĩa, nhu cầu nơi gửi trẻ, trường mẫu giáo cho con em công nhân cũng tăng cao. "Tôi nghĩ tỉnh và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu để sớm xây dựng nhà trẻ, trường học cho con em công nhân. Điều này không chỉ để đảm bảo an toàn cho trẻ cũng như sự phát triển tâm lý, tình cảm của các cháu khi được ở cùng bố mẹ mà công nhân cũng yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp", ông Lục nói.