Công nhân không có thời gian lên mạng, trà đá hẹn hò vì… "việc ngập mặt"

Mỹ Hà

(Dân trí) - Làm đủ 8 giờ/ngày, lương chỉ 5-6 triệu đồng, muốn thu nhập 10 triệu, công nhân phải "cày" 10-12 giờ. Ngần ấy thời gian "ngập mặt ở xưởng", công nhân trẻ có cuộc sống nghèo nàn, thậm chí khó yêu đương.

Đó là chia sẻ của TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân & Công đoàn tại hội thảo quốc tế "Công tác xã hội với người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", do Trường Đại học Công đoàn phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội) tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11.

Hội thảo đề xuất các giải pháp trợ giúp các vấn đề xã hội xung quanh người lao động đang hằng ngày phải đối diện như chính sách việc làm, vấn đề nhà ở, hòa nhập môi trường lao động, hạnh phúc gia đình và các vấn đề liên quan đến đảm bảo quyền và lợi ích con em của người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Công nhân không có thời gian lên mạng, trà đá hẹn hò vì… việc ngập mặt - 1

Công nhân làm việc tại khu công nghiệp ở Bắc Giang (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Công nhân trẻ lạc hậu trong thế giới mạng?

Tại hội thảo, TS Nhạc Phan Linh khái quát 11 vấn đề "nóng", thách thức với công nhân hiện nay, như việc làm, thu nhập, dịch vụ y tế, hạnh phúc gia đình, đời sống tâm lý…

Theo TS Linh, công nhân trong các doanh nghiệp, nhà máy, khu chế xuất ở Việt Nam chủ yếu xuất thân từ nông thôn, có khoảng cách, chênh lệch trình độ, thu nhập chưa cao.

Tiền lương và thu nhập không đủ sống, công việc bấp bênh, khiến nhiều người trong số họ phải vay "tín dụng đen", nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

"Khi thời gian làm việc của công nhân trong doanh nghiệp đủ đạt mức lương 5-6 triệu đồng/tháng, muốn có thu nhập thêm, lên được 8-10 triệu đồng, họ phải làm thêm đến mức 10-12 giờ mỗi ngày. Ngần ấy thời gian ở xưởng, đứng máy, còn lúc nào mà tìm hiểu, yêu đương?

Theo thống kê mới nhất, thời gian sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ hiện nay trung bình khoảng 7 giờ/ngày. Khảo sát của chúng tôi, thời gian của dành cho việc này của công nhân trẻ thấp hơn rất nhiều, chỉ 2 giờ bởi trong thời gian làm việc, họ tuyệt đối không được dùng điện thoại.

Họ làm gì còn thời gian tìm hiểu, dẫn nhau đi Hồ Gươm hẹn hò, trà đá, cà phê… Điều đó cho thấy đời sống tình cảm, hạnh phúc gia đình của các công nhân nhìn chung là nghèo nàn", TS Linh nhận định.

Trả lời phóng viên Dân trí, TS Linh nói rằng, một số vấn đề nóng đã đề cập về việc làm, thu nhập, bảo hiểm xã hội… với công nhân lao động hiện đang được chăm lo, quan tâm ở tầm vĩ mô.

Còn chuyện tâm lý, đời sống gia đình, vấn đề chăm sóc con cái công nhân vẫn đang ở mức xem nhẹ. Thực tế, đây là những chuyện cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là hỗ trợ tâm lý sau Covid-19.

Công nhân không có thời gian lên mạng, trà đá hẹn hò vì… việc ngập mặt - 2

TS Nhạc Phan Linhh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân & Công đoàn (Ảnh: Mỹ Hà).

Khoảng trống lớn với người lao động

Trao đổi thêm, PGS.TS Nguyễn Đức Hữu, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công Đoàn, kể lại chuyện của nữ công nhân tại một khu công nghiệp ở miền Trung muốn xin một tủ đông để giúp lao động nữ trữ sữa vắt mỗi ngày trong giai đoạn nuôi con nhỏ nhưng không được doanh nghiệp đáp ứng. Kết cục, nữ công nhân này đã "lãn công", bởi chị không muốn vắt sữa bỏ đi trong khi con mới sinh ở nhà không được bú mẹ.

Dẫn chuyện này, ông Hữu cho rằng, công tác xã hội trong các khu công nghiệp hiện vẫn thiếu và yếu. Những việc bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi của người lao động như này, đáng ra cần có vai trò của tổ chức công đoàn nhưng thực tế đại diện của người lao động mới chỉ đang xử lý những chuyện bề nổi như thăm nom người lao động ốm đau, lo ma chay, hiếu hỉ.

Những vấn đề thiết thực khác như hỗ trợ tâm lý, định hướng cảm xúc xã hội, thậm chí xử lý chuyện cặp bồ, ngoại tình, khủng hoảng, đổ vỡ gia đình trong công nhân thực sự nan giải.

TS Nguyễn Đức Hữu nhấn mạnh, những vấn đề đó, cần có các nhân viên công tác xã hội được đào tạo bài bản đứng ra xử lý. Các nhân viên xã hội được đào tạo chuyên nghiệp có thể phát triển các chương trình của mình ở cấp độ phòng ngừa, can thiệp và phát triển.

Công nhân không có thời gian lên mạng, trà đá hẹn hò vì… việc ngập mặt - 3

PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn (Ảnh: Mỹ Hà).

Tại hội thảo, PGS.TS Lê Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn thừa nhận, công tác xã hội là một ngành khoa học, một nghề chuyên môn vận dụng những kiến thức, kỹ năng chuyên nghiệp để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động giải quyết những vấn đề gặp phải trong các doanh nghiệp, đặc biệt là trong các khu công nghiệp - khu chế xuất.

Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động công tác xã hội với các nhóm lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh... chưa được quan tâm đúng mức.

Đây là khoảng trống rất lớn trong tiến trình thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Quyết định số 112/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nghề Công tác xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Mục tiêu đề ra của Chính phủ là hoàn thiện các vị trí việc làm và đảm bảo nâng cao kiến thức cho 60.000 cán bộ làm công tác xã hội.

Trước thực trạng kinh tế khó khăn, TS Linh cho rằng, về vĩ mô, cần có các chính sách vực dậy các doanh nghiệp để công nhân, người lao động có việc làm, có thu nhập, có nhà ở và đảm bảo an sinh xã hội.

Đặc biệt, cần có chính sách can thiệp hỗ trợ người lao động cả về ổn định tâm lý, đến đồng hành cùng họ vượt qua giai đoạn khó khăn.