Công nhân chật vật đóng học phí đầu năm cho con: Có sách, đành cắt sữa!
(Dân trí) - Bước vào năm học mới, nhiều gia đình háo hức đưa con em đến trường. Trong số đó, không ít công nhân trong hoàn cảnh khó khăn cũng đang cắn răng cho con đi học với những khoản phí đè nặng lên vai.
Những khoản phí chồng chất
Lê bước chân nặng nề về nhà sau buổi họp phụ huynh đầu năm, nữ công nhân Cao Thị Diệu (35 tuổi, quê tại Thanh Hóa, ngụ TPHCM) thở dài khi vừa "đứt ruột" đóng gần 1 triệu đồng cho các khoản phí phụ thu đầu năm học cho con.
"Chưa hết đâu, còn tiền học phí, sách vở, ăn uống nữa. Tính sơ qua, 2 đứa con nhà tôi cũng tốn khoảng 6 triệu đồng/tháng", chị Diệu nói.
Số tiền 6 triệu đồng, có thể không là gì với nhiều hộ gia đình, nhưng là cả gánh nặng với nữ công nhân. Bởi nhiều tháng qua, chị Diệu bị giảm giờ làm, không được tăng ca khiến thu nhập chỉ còn một nửa. Chồng chị là thợ hồ, đồng lương vô cùng bấp bênh vì trong tháng chỉ được thuê đến công trình đôi ba lần.
Mỗi tuần, chị Diệu đến nhà máy 3-4 ngày, thời gian còn lại phải đi làm tạp vụ hay thậm chí nhặt ve chai để kiếm thêm. Tháng này, nữ công nhân đột ngột đổ bệnh. Vì thế, ngoài thời gian ở nhà máy, chị chỉ có thể lủi thủi ở nhà trông con.
Hôm trước, thấy con sắp vào năm học mới, chị nảy ra ý tưởng bán trái cây trên mạng, nhưng không lâu sau phải dẹp vì không đủ vốn nhập hàng. Nhìn con gái lớn đã học lớp 5, con trai nhỏ vào lớp 1, tấm lòng người mẹ càng nặng trĩu.
"Trước đây, tiền hai vợ chồng làm ra chỉ vừa đủ cho sinh hoạt hằng tháng, không dư một đồng nào. Thu nhập giảm, tôi đành cắt một số khoản chi, nên mấy tháng qua con đâu được uống sữa nữa", chị Diệu nghẹn ngào.
Từng sợ hãi chuyện về quê làm lại từ đâu, nhưng giờ đây chị Diệu nuốt nước mắt, chấp nhận ngày mình phải rời thành phố vì không thể "gồng" được nữa. Chị Diệu càng không quá lo sợ việc sẽ nằm trong danh sách giảm biên chế. Nếu bị sa thải, chị sẽ cùng chồng, con trở về quê nhà.
Bằng mọi giá phải cho con đến trường
Vợ chồng anh Võ Tiến Tùng (33 tuổi, quê tại tỉnh Thanh Hóa) cũng là công nhân tại công ty TNHH Pouyuen. Làm việc gần 12 năm, mức lương của vợ chồng anh chỉ ở mức 9 triệu đồng/tháng vì thời gian gần đây không được tăng ca, chỉ còn được làm 5 ngày/tuần.
Con đầu vào cấp 1, con nhỏ mới 15 tháng tuổi, hai vợ chồng anh phải xoay vòng với tiền học, phí gửi người trông trẻ.
"Mới đi họp phụ huynh hôm chủ nhật, đóng khoảng 1 triệu đồng tiền phụ thu. Năm nay tiền phải đóng nhiều hơn năm ngoái vì có các chi phí phát sinh. Nuôi hai đứa con tốn 10 triệu đồng/tháng, không mượn nợ là đã may rồi chứ không mơ đến có dư", anh Tùng rầu rĩ.
Trước đây, anh Tùng chi vài triệu đồng/tháng trả cho người chị trông nom giúp đứa con út. Kể từ khi công việc gặp khó khăn, cuối tháng trong túi còn bao nhiêu tiền, anh ngậm ngùi đưa hết cho chị.
"Chị tôi hiểu hoàn cảnh hai vợ chồng khó khăn, có tháng còn trông giúp không lấy tiền. Chứ nếu có lấy, chúng tôi cũng không có mà trả cho chị", anh Tùng chia sẻ.
Những ngày không được đến nhà máy làm việc, vợ chồng anh muốn tiết kiệm tiền nên đã bế con qua nhà ông bà ngoại ăn cơm "ké". "Không lo được cho bố mẹ, chúng tôi thấy có lỗi lắm. Nhưng hoàn cảnh này biết làm sao được", nam công nhân ngậm ngùi.
Nhìn con lật vở, đọc từng con chữ đầu đời, anh Tùng chợt thấy chạnh lòng rồi quyết tâm làm mọi cách để con được như những đứa trẻ khác. Đối với anh, vợ chồng anh đã trải qua rất nhiều cực khổ vì không được học đến nơi đến chốn, nên nhất định phải cho con một cuộc sống tốt hơn.
Ngồi cạnh anh Tùng, vợ chồng anh Cao Văn Đạt (31 tuổi, quê tại tỉnh Thanh Hóa) và chị Khải (30 tuổi, quê tại tỉnh Quảng Ngãi) cũng gật gù đồng tình. Đôi vợ chồng trẻ tin rằng, việc học sẽ giúp con thoát được cảnh nghèo hoặc ít nhất là không phải sống trong căn trọ 20m2 chật chội nữa.
Nghĩ đến tương lai của con, nữ công nhân lộ vẻ buồn lòng khi thực tại quá khó khăn. Hai con nhỏ chưa đủ tuổi đến trường, nhưng chi phí nuôi con 1 tháng đã chạm ngưỡng 10 triệu đồng. Để tiết kiệm, mẹ của chị Khải phải lặn lội từ Quảng Ngãi vào TPHCM để trông cháu.
"Mình làm công nhân đã khổ rồi, con mình không thể nào bỏ học đi làm công nhân giống mình được. Khoảng thời gian này tuy khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ ráng vượt qua, tìm mọi cách dù có vay mượn khắp nơi cũng phải cho con đi học. Chỉ có đi học thì cuộc đời của con mới tốt hơn", chị Khải quyết tâm.
Tại Hội nghị công bố báo cáo thực hiện hoạt động khảo sát, đánh giá về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động năm 2023, bà Phạm Thị Thu Lan, Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, đơn vị đã thực hiện khảo sát ý kiến gần 3.000 công nhân ở 6 tỉnh, thành phố.
Khảo sát cho thấy có 52,3% người lao động làm thêm giờ, trung bình 1,75 giờ/ngày. Phần lớn người lao động được khảo sát tình nguyện làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Tiền lương cơ bản bao gồm làm đủ giờ ngày công là hơn 6 triệu đồng/tháng, cao hơn 8,4% so với khảo sát tháng 3/2022, cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 37,5% đến 51,9% tùy theo từng vùng.
Chi tiêu năm 2023 tăng 19% so với năm 2022, với tổng chi tiêu là gần 12 triệu đồng/tháng. Trong đó, họ chi tiêu nhiều hơn cho lương thực thực phẩm, chiếm gần 70%.
Qua khảo sát, hơn 24% người lao động vừa đủ đáp ứng chi tiêu cơ bản, có đến 75,5% người lao động cho biết thu nhập hiện tại không đáp ứng nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí có trường hợp thu nhập chỉ đáp ứng 45% nhu cầu chi tiêu.
Phó viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn thông tin, hơn 53% vì tiền lương cân nhắc đến việc lập gia đình, không sinh con, tiền lương không đủ lo cho con ở thành phố nên phải gửi về quê.
Về nhà ở, hơn 23% tiền lương để trả tiền thuê nhà, trung bình 1,8 triệu đồng/tháng bao gồm cả điện nước.