Tương lai mù mịt của nữ công nhân bị sa thải tuổi xế chiều
(Dân trí) - Gần nửa năm bị công ty sa thải, chị Hường phải đi rửa chén, quét nhà kiếm tiền nuôi con. Nhiều lần nộp hồ sơ xin việc đều bị trả về, chị chưa biết mình sẽ bám trụ ở TPHCM ra sao, có nên về quê không?
"Ở không được, về không xong"
Cũng như nhiều công nhân lớn tuổi ở TPHCM, chị Lê Thị Hường (quê tại Thanh Hóa) bị công ty cho thôi việc hồi đầu năm, khi chị 42 tuổi và có thâm niên hơn 20 năm. Dù được báo trước 1 tháng, khi nhận quyết định sa thải chị Hường vẫn sốc, mất ăn mất ngủ cả tuần.
Những ngày đầu mới nghỉ việc, chị cứ thất thần, thỉnh thoảng lại chạy ra trước cổng công ty đứng nhìn vào phía trong rồi nước mắt chảy dài. Công ty may, nơi lưu giữ cả thanh xuân của chị, con đường từ nhà trọ đến công ty đã lưu dấu bao nhiêu kỷ niệm của chị nay đã kết thúc. Càng nghĩ chị càng tan nát cõi lòng, nghĩ mình như người thừa của xã hội.
6 tháng kể từ khi cầm tờ quyết định "ám ảnh cuộc đời", những lo sợ của chị đã thành hiện thực. Con chị chuẩn bị vào năm học mới, rất nhiều khoản chi phí phải lo nhưng... tiền ở đâu?
Chị không phải là người lười biếng, những tháng ngày qua chị đi xin việc khắp nơi, cả chục bộ hồ sơ được gửi đi nhưng không nhận được hồi đáp. Trong lúc chờ đợi, chị chấp nhận đi rửa chén, quét nhà 12 tiếng mỗi ngày để có 6 triệu đồng, số tiền chỉ đủ chị trả tiền trọ và mua sữa cho con.
Giữa lúc chị Hường chênh vênh thì chồng cũng gần như thất nghiệp, mỗi tuần chỉ làm 1, 2 ngày, có khi nghỉ nửa tháng mới đi làm lại. Cứ mỗi ngày trôi qua, hai vợ chồng lại nhìn nhau thở dài, tương lai phía trước như vô định.
Ở lại thành phố gặp nhiều khó khăn, nhưng hễ nhắc tới chuyện trở về quê nhà, chị Hường lại rơi vào trầm tư. Nữ công nhân chia sẻ, bản thân chị không có đủ can đảm trở về vì sợ hàng xóm dị nghị.
Nhà đông anh em nhưng chỉ có chị là khó khăn nhất. Nhìn lại bản thân còn quanh quẩn cảnh nghèo, chị Hường chợt thấy xấu hổ khi không thể lo cho gia đình ở quê.
"Bỏ xứ đi làm mấy chục năm trời, giờ trở về tay trắng biết nói làm sao. Bố tôi đã mất, giờ chỉ còn mẹ già ở nhà. Nếu giờ mẹ thấy cảnh tôi làm ăn thất bại, tôi cũng lo mẹ sẽ buồn", chị Hường nghẹn ngào.
Không những vậy, quê nhà đa số là công việc đồng áng. Chị Hường thừa nhận, nếu có về chị cũng không biết bắt đầu từ đâu. Với số tiền được công ty trợ cấp khi thất nghiệp, nữ công nhân cũng không đủ can đảm khởi nghiệp ở quê. Chị sợ sẽ thất bại một lần nữa, lúc đó, chị e là "mất cả chì lẫn chài".
Nghĩ tới hoàn cảnh của mình hiện tại, chị Hường rầu rĩ: "Ở không được, về cũng không xong".
Gian nan bám... phố
Vài tháng trước, chị Ngọc Thắng (39 tuổi, quê tại Bến Tre) là một trong những công nhân nằm trong danh sách giảm biên chế của công ty TNHH Pouyuen. Sau khi bị sa thải, chị Thắng xin làm giúp việc, đưa đón trẻ nhỏ hay bất kỳ công việc nào gần nhà để kiếm thêm thu nhập.
Dù có thử nộp đơn xin việc vào một số nhà máy tại thành phố, chị Thắng cũng ngậm ngùi ra về vì độ tuổi không đủ cạnh tranh với nhân sự trẻ tuổi.
Mỗi ngày, chị Thắng đều mệt nhoài trở về nhà khi trời đã tối muộn. Với công việc làm osin theo giờ, chị Thắng kiếm được hơn 100.000 đồng/ngày.
Gia đình có 2 con nhỏ, ba mẹ già, chị Thắng và chồng không ngày nào là thoát khỏi nỗi lo tài chính đè nặng trên vai. Chồng chị quê ở Bến Tre, đến nay vẫn còn công việc ở thành phố nhưng thu nhập của hai vợ chồng chỉ vừa đủ nuôi gia đình 6 miệng ăn.
Nhắc đến chuyện về quê tìm việc, chị Thắng vội lắc đầu: "Ở dưới quê người ta thất nghiệp, còn chạy ngược lên này mà. Tôi có hỏi thăm, nhưng nhân sự ở dưới họ xin việc không được, nhà máy cũng giảm biên chế không khác gì trên này".
Đối với chị Thắng, bản thân chị và chồng dù khó khăn nhưng vẫn nuôi hi vọng mong manh, bám trụ lại thành phố. Bởi, dù có trở về quê, thật tình chị và chồng không biết làm công việc gì. Nữ công nhân chia sẻ, dạo gần đây, chị đã quen dần với công việc mới.
Thu nhập hiện tại dù không có dư, nhưng vẫn giúp vợ chồng chị tạm yên tâm chăm lo cho gia đình. Trong lúc đó, cả nhà chị hi vọng cầm cự được đến lúc kinh tế phục hồi. Chị sẽ tìm một công việc mới có thu nhập tốt hơn.
Mong mỏi về quê vì sống tại thành phố áp lực, chị Bích Tuyền (35 tuổi, quê tại tỉnh An Giang) cũng cố đành cố bám trụ. Là công nhân tại công ty TNHH Pouyuen, chị Tuyền gần đây không được tăng ca nhưng may mắn không bị giảm giờ làm quá nhiều như những công nhân khác.
"Mỗi ngày đều thấp thỏm lo sợ, không biết mình có bị sa thải hay không. Về quê thì cuộc sống thoải mái hơn thật, nhưng đã phóng lao thì theo lao. Giờ chúng tôi về cũng phải đối mặt với nhiều vất vả khác, chi bằng ở lại đây cố gắng thêm một thời gian nữa xem sao. Dù sao ở thành phố cũng dễ kiếm việc mới hơn ở quê", chị Tuyền nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội, hầu hết người lao động (NLĐ) đã có gia đình thường để con cái cho ông bà chăm sóc và chọn cách đi làm ăn xa với hy vọng có được thu nhập cao hơn để gửi về. Khi mục tiêu trên không đáp được và điều kiện làm việc ở khu vực nông thôn ngày càng tốt hơn, NLĐ có xu hướng trở về quê hương làm việc để đoàn tụ với gia đình.
PGS-TS Nguyễn Đức Lộc cho biết, hiện có hai kỳ xét tăng lương khác nhau, một kỳ cho khu vực tư nhân và một kỳ cho khu vực công, lần nào nghe tăng lương thì giá cả sinh hoạt đều tăng theo. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét tăng lương cho cả hai khu vực cùng một lúc để tránh lạm phát hai lần trong một năm do tăng lương.
Hỗ trợ thiết thực thứ 2 là cải thiện chỗ ở cho NLĐ ở trọ. Nhà nước cần ban hành quy định về tiêu chí xây dựng, cung cấp nhà ở, phòng trọ cho NLĐ và quán triệt việc thực hiện để đảm bảo điều kiện sống tốt hơn cho NLĐ di cư.
Ngoài ra, cần rà soát các chính sách hiện hành để thực hiện hiệu quả việc giảm chi phí điện nước cho NLĐ; thành lập trường mầm non tại các khu công nghiệp hoặc quy định khu công nghiệp phải có trường mầm non để hỗ trợ NLĐ có nơi trông giữ con cái trong giờ làm việc…
Theo Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), đợt bùng phát thứ 4 của đại dịch Covid-19 (từ tháng 5 đến tháng 10/2021) đã gây ra những tác động tiêu cực đến đời sống của lao động di cư tại khu vực Đông Nam Bộ.
Từ sau tháng 10/2021, mặc dù dịch Covid-19 đã dịu bớt nhưng người lao động (NLĐ) vẫn gặp khó khăn tài chính do ảnh hưởng của cú sốc kinh tế từ tác động của đại dịch Covid-19. Thời gian giãn cách kéo dài trong năm 2021 khiến nhiều NLĐ không có công ăn việc làm, phải tiêu vào tiền tiết kiệm, vay mượn, nợ nần…
Trong bối cảnh đó, tình hình giá cả hàng hóa cao tại các khu công nghiệp và khu đô thị sau đại dịch Covid-19 còn "bồi" thêm cú đánh mạnh vào nền tảng tài chính yếu kém của lao động di cư khiến cuộc sống của họ càng thêm khó khăn.
Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, thách thức lớn nhất đối với NLĐ là kiếm đủ thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt (77,6% người tham gia khảo sát trả lời).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 15,5% lao động di cư trong nước được khảo sát hiện đang làm việc tại TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương có ý định trở về quê hương làm việc lâu dài.