Đằng sau video bị con trai ngủ mơ tát trúng mặt, mẹ bật khóc thức đến sáng

Tô Sa

(Dân trí) - Sau khi bị con trai ngủ mơ bất ngờ vung tay tát trúng mặt, chị K.A. đánh thức chồng rồi bật khóc vì tủi thân. Không thể ngủ lại, chị quyết định thức đến sáng chuẩn bị đồ ăn cho con đi học.

Ngày 26/12, mạng xã hội chia sẻ đoạn video bé trai trong lúc mơ ngủ đã vô tình vung tay tát trúng mặt người mẹ nằm bên cạnh. 

"Đang ngủ yên lành thì tự nhiên con trai ngủ mơ xong tặng một cái "vuốt má", mẹ đang ngon giấc tỉnh cả ngủ. Thấy bảo người mẹ thuộc túyp người khó ngủ nên đêm đó thức đến sáng", dòng chú thích hài hước thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. 

Trong video, sau khi bị con trai ngủ mơ tát trúng mặt, người vợ quay sang đánh thức chồng rồi bật khóc vì tủi thân. Thương vợ, người chồng ôm con trai, dặn dò "cất cái tay đi, mẹ khóc rồi kìa". 

Đằng sau video bị con trai ngủ mơ tát trúng mặt, mẹ bật khóc thức đến sáng - 1

Khoảnh khắc bé trai mơ ngủ vung tay tát trúng mặt mẹ (Ảnh cắt từ video).

Đoạn video được chia sẻ khắp các diễn đàn mạng xã hội đã thu về hơn một triệu lượt xem và hàng nghìn lượt yêu thích. Nhiều người dùng mạng bày tỏ đồng cảm với người mẹ khi con nhỏ có những hành động khó kiểm soát trong giấc ngủ.

"Tôi cũng thuộc kiểu người khó ngủ. Có hôm gần sáng đang ngủ ngon, tôi bị con gái 5 tuổi tát trúng mặt. Cảm giác vừa đau vừa bất lực vì biết con nhỏ không cố ý", người dùng Ngọc Liên viết.

"Trong gia đình, con tôi thường nằm giữa, có lần ngủ mơ cũng tát vào mặt mẹ, có hôm đạp vào bụng bố. Nhiều lần tôi giật mình tỉnh dậy, chỉnh lại tư thế nằm của con để tránh bị tác động rồi cố gắng ngủ tiếp", tài khoản Nguyễn Nhung viết.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, chị K.A. - người mẹ trong đoạn video - bày tỏ bất ngờ khi đăng tải đoạn video lên trang cá nhân lại thu hút nhiều người xem, đồng thời nhận về nhiều ý kiến trái chiều. 

Người phụ nữ kể, gần 5h ngày 16/12, chị tỉnh giấc sau khi bị con trai tát trúng mặt. Bật khóc do tủi thân và không thể ngủ lại, chị quyết định thức đến sáng chuẩn bị đồ ăn cho con đi học.

"Tôi đang bầu bé thứ 2 nên khó ngủ. Hôm đó vừa vào giấc, bị con tát trúng mặt, tôi vừa giật mình vừa đau", chị K.A. nói.

Theo người mẹ, con trai khoảng 2 tuổi khá nghịch ngợm, hay chơi đùa với hàng xóm cùng tuổi. Có thể ban ngày mải chơi nên đến đêm bé ngủ mơ, không kiểm soát được hành động trong giấc ngủ.

"Sau khi xem lại camera, tôi không trách con mà chỉ thấy buồn cười, đăng tải đoạn video lên trang cá nhân", người mẹ cho hay.

Theo các chuyên gia, thông thường trẻ từ 2 tuổi trở lên sẽ cần khoảng 11 đến 14 tiếng mỗi ngày để ngủ. Việc trẻ hay cử động cơ thể vào ban đêm được xem như một biểu hiện bình thường. 

Bắt đầu từ 2 tuổi, trẻ sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới trong vận động và nhận thức. Khi ngủ, một số vùng vận động ý thức không bị ức chế hoàn toàn có thể khiến trẻ vô thức vận động tay chân (đập tay đập chân, lăn qua lăn lại) hoặc bộc lộ cảm xúc (la hét, cười, khóc).

Sau khi có các biểu hiện này, nếu bé vẫn trở lại giấc ngủ nhanh chóng thì đó là biểu hiện bình thường của sự phát triển.

Các chuyên gia cho hay não bé trong giai đoạn này vẫn chưa trưởng thành nên chưa thể điều khiển giấc ngủ kéo dài cả đêm, dẫn đến tình trạng trẻ ngủ lăn lộn, không ngon giấc.

Đằng sau video bị con trai ngủ mơ tát trúng mặt, mẹ bật khóc thức đến sáng - 2

Khi ngủ, một số vùng vận động ý thức không bị ức chế hoàn toàn có thể khiến trẻ vô thức vận động tay chân (Ảnh minh họa).

Để giúp trẻ cải thiện chất lượng giấc ngủ, bố mẹ có thể lập lịch trình ngủ cân bằng và khoa học để tạo nếp ngủ cho con, đồng thời duy trì lịch trình này cả ngày cuối tuần để trẻ dễ thích nghi và ngủ ngon hơn.

Phụ huynh có thể tạo môi trường ngủ, cố gắng duy trì nhiệt độ phòng ngủ ổn định (không quá nóng hoặc không quá lạnh), không gian yên tĩnh, thoáng đãng và độ sáng vừa phải. Giường ngủ cần thoải mái, sử dụng chăn ga mềm mại và vệ sinh thường xuyên.

Tư thế ngủ đúng cũng giúp trẻ duy trì giấc ngủ lâu hơn và tránh lăn lộn quấy khóc. Ngoài ra, bố mẹ nên xây dựng chế độ ăn cân đối, đảm bảo bé không bị quá đói cũng không ăn quá no vào bữa tối, cho con dặm thêm một cữ sữa trước khi đi ngủ khoảng 30 phút - 1 tiếng.

Phụ huynh cần hạn chế cho trẻ vận động mạnh để tránh có những biểu hiện tương tự vào ban đêm. Trẻ không nên chạy nhảy, la hét hoặc chơi các trò chơi cảm giác mạnh vào ban ngày.

Bố mẹ cũng có thể giúp con duy trì thực hiện các hoạt động thư giãn trước giờ ngủ như tắm ấm và đọc truyện để bé thư giãn cũng như chuẩn bị tâm lý cho giấc ngủ.

Nếu trẻ cảm thấy buồn ngủ, bố mẹ hãy cố gắng tạo điều kiện để trẻ ngủ ngay hoặc tạo thói quen đi ngủ vào một khung giờ cố định.

Một giấc ngủ chất lượng có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Do vậy, bố mẹ cần chú ý theo dõi và không nên chủ quan khi trẻ có bất kỳ biểu hiện hoặc hành vi nào, đặc biệt với tình trạng trẻ 2 tuổi ngủ đêm hay lăn lộn.