Công nhân bỏ phố về quê để được gần con
(Dân trí) - Không tìm được nơi gửi con phù hợp, nhiều công nhân chấp nhận xa con, đưa con về quê ở với ông bà nên khó dạy dỗ. Họ quyết định rời thành phố về quê làm để có thể chăm sóc, dạy dỗ con cái.
Giữ trẻ theo ca làm của cha mẹ
Ngày 8/10, tại TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức tọa đàm "Hỗ trợ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCX-KCN) trong việc chăm sóc và nuôi dạy con - đề xuất và kiến nghị".
Tại hội nghị, bà Trần Thu Phương, Phó Trưởng Ban nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: "Do đặc thù công nhân lao động tại các KCX-KCN phần lớn là lao động trẻ nên nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân đang ngày càng tăng".
Theo bà Lê Thị Lệ Huyền, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCX-KCN TPHCM, hiện Công đoàn các KCX-KCN TPHCM có 732 công đoàn cơ sở với hơn 130.000 lao động nữ, nhiều con nhỏ. Đặc thù thời gian làm việc của công nhân là phải tăng ca, ai cũng có nhu cầu gửi con nhỏ vài tháng tuổi mà rất khó tìm được trường mầm non phù hợp.
Do đó, bà Lệ Huyền đề xuất thí điểm mô hình giáo dục mầm non phục vụ con em công nhân với các đặc thù như nhận trẻ ở nhiều độ tuổi, giữ trẻ theo ca của bố mẹ, giữ trẻ ngoài giờ hành chính…
Bà Phạm Thị Hồng Hà, Công đoàn Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, phản ánh: "Hiện nay, tại các KCX-KCN còn thiếu hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác chăm sóc trẻ em như: Nhà trẻ, mẫu giáo, các khu vui chơi giải trí…".
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn công ty Cổ phần Cơ khí - Thương mại Đại Dũng, cho biết công ty có nhiều chương trình chăm lo cho con em công nhân. Tại công ty, mỗi nhà máy đều có khu lưu trú cho công nhân.
Tuy nhiên, thực tế ông ghi nhận cho thấy đang có hiện tượng công nhân dịch chuyển từ các khu công nghiệp lớn ở TPHCM về quê làm việc để có điều kiện ở cùng con nhỏ.
Nguyên nhân là vì cuộc sống ở thành phố lớn khó khăn, khó tìm ra nơi giữ trẻ phù hợp với điều kiện làm việc và mức sống cao. Thời gian qua, nhiều công nhân phải chọn cách gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.
Khi đó, những đứa trẻ lớn lên không có cha mẹ bên cạnh, không được quan tâm đầy đủ hoặc có hiện tượng trái ngược là ông bà thấy cháu thiếu tình thương cha mẹ nên quá nuông chiều. Nhiều hệ lụy phát sinh từ tình trạng này, nhiều trẻ không được giáo dục, dạy dỗ tốt.
Do đó, ông Hùng đề xuất nên xây dựng trường học cho con em công nhân để người lao động có thể yên tâm làm việc.
Nan giải bài toán trường học cho con công nhân
Bà Trần Ngọc Phượng, Chủ tịch Công đoàn công ty TNHH Việt Nam Paiho, cũng đồng tình: "Một số công nhân không có điều kiện chăm sóc con nên gửi con về quê cho ông, bà. Các con còn thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, cha mẹ phó mặc trách nhiệm chăm sóc cho ông, bà và giáo dục trẻ cho nhà trường dẫn đến nhiều trường hợp không mong muốn như con trẻ chơi bời, bỏ học, theo bạn bè xấu…".
Tuy nhiên, bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM, cho biết cần phải có khảo sát cụ thể hơn về vấn đề này.
Theo bà, trước đây TPHCM đã thí điểm chương trình giữ trẻ ngoài giờ cho con em công nhân, người lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ công nhân gửi trẻ không đáng kể. Người lao động thường gửi con ở cơ sở gần nơi ở, gửi về quê và việc di chuyển chỗ ở của họ rất thường xuyên.
Bà Ngọc Liên cho rằng: "Để xây dựng chính sách phù hợp, cần có nhiều tư liệu và nghiên cứu kỹ lưỡng, bởi mỗi khu vực có đặc thù và nhu cầu riêng".
Kết luận hội nghị, bà Trần Thu Phương ghi nhận thực tế có nhiều người lao động tại các KCX-KCN bắt buộc phải gửi con về quê vì cuộc sống khó khăn, dẫn đến khó nuôi dạy tốt con nhỏ.
Do đó, bà đề nghị các doanh nghiệp tìm cách hỗ trợ con em người lao động bớt khó khăn. Công đoàn cũng cần nghiên cứu các khoản trợ giúp, chăm lo cho con em công nhân ngoại tỉnh.