Con trai luật sư Nguyễn Hữu Thọ từng trách ba "sinh con mà đi hoài"
(Dân trí) - Cha hoạt động cách mạng bận rộn, rồi còn bị tù đày cả chục năm trời, không mấy khi ở nhà, nên ông Nguyễn Hữu Châu từng trách luật sư Nguyễn Hữu Thọ "ba sinh tụi con mà sao ba đi hoài?".
Câu chuyện về cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ, quyền Chủ tịch nước (Giai đoạn tháng 4/1980 - 7/1981) được con trai cả của ông - ông Nguyễn Hữu Châu, chia sẻ tại lễ khánh thành tượng cố luật sư tại ngôi trường mang tên ông, trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM.
Tại buổi lễ, bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM cho biết, năm 2020, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã phối hợp cùng gia đình cố luật sư Nguyễn Hữu Thọ đúc tượng ông. Bức tượng được hoàn thành vào đầu năm 2021 và được gia đình gửi tặng cho Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên việc đặt tượng phải hoãn lại đến nay.
Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ chia sẻ, tượng luật sư Nguyễn Hữu Thọ được đặt tại sân trường nhằm giúp các thế hệ học sinh mãi ghi nhớ công ơn một nhà lãnh đạo cộng sản tài năng, một tấm gương sáng về đạo đức, tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn, trong sạch, hy sinh vì nghĩa lớn, không khuất phục trước cường quyền, không sa ngã trước tiền tài danh lợi.
Nhắc đến người cha đáng kính, ông Nguyễn Hữu Châu, nay đã bước qua tuổi 80, kể luật sư Nguyễn Hữu Thọ tham gia hoạt động cách mạng rồi liên tục bị giam cầm, lưu đày đến tận năm 1961 trải qua các nhà tù ở Mường Tè (Lai Châu), Sơn Hòa (Phú Yên).
Khi đó, mấy mẹ con ông sống vô cùng cực khổ tại căn nhà nhỏ ở trong hẻm ở Phú Nhuận chưa đến 20m2, sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Chưa kể, gia đình còn thường xuyên bị quân địch bày rất nhiều chiêu trò khủng bố, đe dọa, bắt bớ...
Thế nhưng, các con vẫn cảm nhận được từ mẹ mình, bà Dương Thị Chung, nữ sinh trường Áo Tím (trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay) dù một mình chăm con, dù khổ cực vẫn luôn đồng lòng, tán thành với con đường, lý tưởng của cha, luôn chỉ dạy con cái học tập theo cha.
Vậy nên, cha không ở bên cạnh mà anh chị em trong nhà vẫn thấy sức sống của cha ngay bên mình, vẫn cảm nhận được hạnh phúc gia đình.
Có lần, thấy cha đi suốt không ở nhà, cậu bé Nguyễn Hữu Châu khi đó còn nhỏ, từng trách cha: "Ba lấy mẹ, ba đẻ tụi con ra mà sao ba cứ đi hoài".
Cha nói với cậu: "Ba mong khi con lớn, con sẽ hiểu cho ba. Ba đang cùng lo cho hạnh phúc chung của đất nước, đất nước hạnh phúc gia đình sẽ hạnh phúc".
Sau đó, những lần theo mẹ đi thăm cha ở nhà tù, dù chưa hiểu rõ về cách mạng nhưng cậu bé Châu đã hiểu phần nào công việc vì dân vì nước của cha mình. Điều đó cũng vun đắp tình yêu quê hương, đất nước trong cậu để đến năm 19 tuổi, cậu cũng quyết định thoát ly để tham gia cách mạng...
Ông Châu kể, khi ra tù, cha mình luôn bận rộn, tính ra thời gian ở nhà không bao nhiêu. Tình cảm của cha rất đặc biệt, ông ít bày tỏ nhưng những lúc ở nhà, dù nhiều việc đến mấy cha cũng luôn tranh thủ đi mua đồ ăn sáng cho vợ con, đưa con đi học, tận dụng từng giây phút để chăm sóc, quan tâm con cái, gia đình...
Theo lời chia sẻ của người con, ông Nguyễn Hữu Thọ rất chú ý dạy con cái giữ nề nếp truyền thống trong gia đình. Từ lời ăn tiếng nói, thưa gửi, kính trên nhường dưới, yêu thương cha mẹ, anh em... Khi đã lớn tuổi, anh em trong nhà vẫn luôn "Thưa cha/thưa mẹ" khi nói chuyện.
Đặc biệt, có hai việc cha rất nghiêm khắc với con cái là việc học và dạy con sống trung thực, tiêu chí ông đặt lên hàng đầu trong dạy con.
Ông từng nói với các con, các con làm gì cũng được, lấy vợ chồng lái xích lô, gia đình nghèo khó, không môn đăng hộ đối không sao hết nhưng phải trong sạch.
Cha lo việc nước nên mọi việc trong nhà, ông Châu lại nghèn nghẹn nhắc đến mẹ, một người phụ nữ ốm yếu mà đầy mạnh mẽ. Gần như một mình bà gánh vác việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ con cái nhưng bà không bao giờ than phiền, trách cứ cha. Mẹ là một người phụ nữ hy sinh thầm lặng mà theo ông Châu, đó là điều cha mình cảm nhận được rõ hơn bất kỳ ai. Phía sau sự dấn thân vì sự nghiệp chung của cha chính là mẹ...
Trước khi qua đời, nằm điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, dù đã rất yếu, người cha ấy còn nói với các con: "Ba tiếc một điều là thời gian qua, ba chưa lo được cho mẹ con các con. Mẹ và các con là những người quan trọng với ba nhất, thương ba nhất". Để lại lời tiếc nuối đó, ông rơi vào hôn mê... Khi đó, cả gia đình vẫn ở nhà công vụ.
"Điều cha để lại cho chúng tôi không phải là tiền tài, danh vọng mà chính là sự thanh liêm, bình an", ông Châu nói.
Sau này, khi mẹ đi theo cha, ông Châu và anh chị em trong nhà quyết tâm đưa bằng được hũ cốt của mẹ về đặt bên mộ cha tại Nghĩa trang thành phố. Khi còn sống, vì chiến tranh chia cắt, vì công việc cha mẹ phải mỗi người mỗi nơi, giờ ở thế giới bên kia họ luôn được ở bên nhau, nhìn thấy nhau...
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sinh năm 1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Thuở nhỏ, ông theo học tiểu học ở Long Mỹ, Rạch Giá. Năm 1921, khi 11 tuổi, ông được gia đình cho sang Pháp học tại Trường Trung học Miguet. Đến năm 1932, ông tốt nghiệp cử nhân Luật tại Pháp.
Về nước năm 1933, ông tập sự hành nghề luật sư và chính thức trở thành luật sư vào năm 1939.
Trong thời gian tham gia cách mạng, ông được bầu qua các chức vụ Chủ tịch UBTW Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (năm 1962); Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (năm 1969).
Sau giải phóng, năm 1976 ông được bầu giữ chức vụ Phó chủ tịch nước.
Tháng 4/1980 ông được phân công giữ chức quyền Chủ tịch nước.
Tháng 7/1981, ông được Quốc hội khóa VII bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng nhà nước.
Tháng 11/1988, ông được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ông mất năm 1996 tại TPHCM.