Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng:
"Còn sức khỏe tôi còn hết mình vì người khuyết tật..."
(Dân trí) - "Người khuyết tật rất thiệt thòi. Tôi luôn cố gắng để họ có được một cuộc sống tốt nhất. Với tôi đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc. Còn sức khỏe tôi còn hết mình vì những người khuyết tật...".
Tâm nguyện "Trồng người"
Tối muộn, người phụ nữ với dáng hình nhỏ bé, nụ cười hiền hòa bà Nguyễn Thị Kim Ngân, 67 tuổi, vẫn miệt mài tại văn phòng của Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, năm 18 tuổi bà Nguyễn Thị Kim Ngân nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Năm 1975 bà phục viên, trở về quê hương tiếp tục hoàn thành ước mơ làm giáo viên tại trường THPT Lý Thường Kiệt (TP Yên Bái).
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân chia sẻ "Lúc tôi còn là chiến sĩ trên tuyến đường Trường Sơn gian khổ và ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống ngoại xâm nhưng luôn tâm nguyện: Thắng giặc trở về, tôi sẽ đứng trên bục giảng để làm nhiệm vụ giảng dạy".
Về hưu, tham gia xây dựng Hội người khuyết tật từ năm 2008, bà luôn đau đáu khi nhìn ánh mắt khát khao của các bạn thanh niên khuyết tật là hội viên và trẻ không biết đọc chữ. Bà cùng những thành viên khác quyết tâm mở lớp học xóa mù chữ.
Khó khăn gặp phải khi mà việc vận động gia đình đưa trẻ khuyết tật đến lớp. Bà đến từng nhà tâm sự, chia sẻ về lợi ích của việc học tập. Tất cả những người khuyết tật đến lớp học của bà, đều được hỗ trợ chi phí đi lại.
Để có được nguồn kinh phí duy trì lớp học, đích thân bà Nguyễn Thị kim Ngân lại đi vận động các gia đình, doanh nghiệp, người thân và cả tiền lương hàng tháng.
Sau 4 lớp học do bà Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp đứng lớp, 60 em khuyết tật ở nhiều lứa tuổi khác nhau đã biết đọc, biết viết và tự tin trong cuộc sống. Các lớp học thu hút sự quan tâm của cha mẹ học viên, của những người tâm huyết hỗ trợ các em.
Không dừng lại ở đó, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phối hợp mở lớp dạy nghề may, nghề cắm tỉa hoa, nấu ăn... cho trẻ em khuyết tật, đồng thời vận động trẻ khuyết tật đến học tập hòa nhập tại các trường học của cộng đồng tại địa phương.
Bà còn trực tiếp hướng dẫn hơn 100 sinh viên ngành Công tác xã hội đến từ các trường đại học lớn về Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân thực tập.
Nặng lòng với người khuyết tật
Là Chủ tịch Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân, bà xác định việc tìm kiếm và huy động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động hội là một trong những nội dung ưu tiên trong định hướng phát triển hội.
"Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ UBND quận, tôi đã tích cực xây dựng các chương trình, dự án phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để đa dạng hóa nguồn lực và hoạt động hỗ trợ hội viên" - bà kể.
Từ năm 2014 đến nay, số tiền vận động được Hội chi cho việc giúp đỡ hỗ trợ hội viên và dạy chữ, dạy nghề, sửa chữa nhà, trợ cấp và tặng quà cho hội viên người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật khó khăn là hơn 11 tỉ đồng.
Với số tiền này, 3 căn nhà được xây mới và 38 căn nhà của hội viên người khuyết tật được sửa chữa; 145 hộ gia đình người khuyết tật được vay vốn; Tạo việc làm cho 195 người khuyết tật và người thân của họ; nhiều công trình phúc lợi xã hội dành cho người khuyết tật được xây dựng,…
"Người khuyết tật rất thiệt thòi, có người không chân, liệt tay, có người bị khuyết tật trí tuệ, cuộc sống đã lấy đi của họ quá nhiều. Tôi luôn cố gắng để họ có được một cuộc sống tốt nhất. Với tôi đó là niềm vui, là niềm hạnh phúc. Còn sức khỏe tôi còn hết mình vì những người khuyết tật" - bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, người khuyết tật thường có tâm lý tự ti, mặc cảm với những khiếm khuyết của mình, nhưng lại có những khả năng đặc biệt mà nếu được động viên, khuyến khích kịp thời thì có thể phát huy rất tốt. Vì vậy, suốt những năm làm công tác hội trưởng, bà luôn ưu tiên vấn đề dạy chữ, dạy nghề, tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật.
Là thành viên trong Hội người khuyết tật quận Thanh Xuân từ những năm đầu thành lập, anh Nguyễn Anh Tuấn 42 tuổi, trú tại Quan Nhân (Thanh Xuân, Hà Nội) xúc động khi kể về cô Nguyễn Thị Kim Ngân.
"Không những tự mình đến động viên, cô Ngân còn tận tay trao tặng những món quà ý nghĩa mang đến cho chúng tôi sự cổ vũ lớn lao và niềm tin yêu cuộc sống. Sự giúp đỡ trong sáng, tấm lòng nhân hậu của cô đối với chúng tôi trong suốt những năm qua khiến những người khuyết tật quận Thanh Xuân rất biết ơn" - anh Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
Tôn vinh những cá nhân tiêu biểu vì cộng đồng
Với những cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Nguyễn Thị Kim Ngân vinh dự là 1 trong 50 cá nhân tiêu biểu được Bộ LĐ-TB&XH xét duyệt và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng Bằng khen về điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực an sinh xã hội và tích cực tham gia hoạt động vì cộng đồng tại Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng".
Lễ tuyên dương sẽ được diễn ra vào lúc 15h ngày 28/11 tại Hà Nội. Trước đó, các cá nhân tiêu biểu được tôn vinh có buổi gặp gỡ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và vào Lăng viếng Bác.