Con qua đời khi sinh non 22 tuần tuổi chỉ được nghỉ thai sản 40 ngày
(Dân trí) - Chị A. sinh non thai đôi khi thai kỳ được gần 22 tuần tuổi. 2 bé qua đời sau khi sinh 5 phút. Chị thắc mắc vì sao mình chỉ được nghỉ thai sản 40 ngày?
Khi thai kỳ mới được 21 tuần 6 ngày, chị A. chuyển dạ sinh non. Sau khi ra đời được 5 phút, 2 đứa trẻ sinh đôi đều mất.
Khi ra viện, chị A. được cấp giấy chứng tử của 2 bé. Tuy nhiên, chị A. thắc mắc vì sao trên giấy ra viện lại ghi là cho nghỉ sau xuất viện 40 ngày?
Chị A. hỏi: "Tôi có thắc mắc thì được phía bệnh viện giải thích do 2 bé không nằm lồng ấp nên mẹ không được nghỉ 4 tháng. Nhờ phía cơ quan bảo hiểm tư vấn bệnh viện giải thích như vậy là đúng hay sai?".
Trả lời chị A., Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội quy định khi sảy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa là 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi".
Theo Điều 33, thời gian nghỉ việc tối đa trong trường hợp trên được quy định tùy vào thời điểm đình chỉ thai mà được nghỉ từ 10 ngày đến 50 ngày.
Việc bệnh viện ghi giấy ra viện như trên là căn cứ theo phụ lục 3 ban hành kèm Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế hướng dẫn cách ghi giấy ra viện.
Cụ thể, đối với trường hợp phải đình chỉ thai nghén dưới 22 tuần tuổi thì căn cứ tình trạng thực tế để ghi phương pháp điều trị theo một trong các trường hợp: Sảy thai, nạo thai, hút thai, mổ lấy thai, trừ trường hợp giảm thiểu thai trong quá trình thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Căn cứ các quy định nêu trên, trường hợp của chị A. là đình chỉ thai nghén 21 tuần 6 ngày (dưới 22 tuần tuổi). Do đó, chị A. được giải quyết hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội với thời gian tối đa là 40 ngày.