Con mất tích, ba lập bàn thờ 28 năm không ngờ có ngày hội ngộ từ châu Úc

Nguyễn Vy

(Dân trí) - "Đúng rồi! Giờ con nhớ rồi, đúng là ba rồi, ba ơi!", trong cuộc điện thoại với người đàn ông tóc đã bạc phơ, anh Thành khóc nấc như một đứa trẻ, nhận ra người thân sau hàng chục năm lưu lạc.

Lập bàn thờ con sau nhiều năm đi tìm

"Chú hãy nói cho cháu biết, ngày xưa, trước nhà mình có gì? Còn chú thì làm nghề gì?", anh Trương Văn Thành (sống tại Australia), hỏi người đàn ông tóc bạc trước màn hình điện thoại.

"Ngày xưa, trước nhà tôi là đường ray xe lửa. Tôi làm nghề xích lô", ông Trần Lo (81 tuổi), nói gọn.

Ông Lo chưa dứt lời, anh Thành đã òa khóc nức nở, khẳng định đây chính là ba ruột của mình, dù chưa có kết quả ADN (xét nghiệm gen) để xác định mối quan hệ huyết thống.

Con mất tích, ba lập bàn thờ 28 năm không ngờ có ngày hội ngộ từ châu Úc - 1

Cuộc hội ngộ đầu tiên qua màn hình điện thoại của hai ba con thất lạc gây xúc động mạnh (Ảnh cắt từ clip NVCC).

Những đoạn clip ghi lại cảnh hội ngộ của anh Thành và ba ruột lấy đi bao nhiêu nước mắt của cộng đồng mạng, thu hút hơn 5 triệu lượt xem và hàng triệu lượt tương tác trên mạng xã hội.

Được biết, anh Thành sinh trưởng trong một gia đình ở Phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên Huế). Khi anh còn nhỏ, vì nhiều lý do nên ba anh, ông Lo, quyết định cưới một người vợ khác.

Năm 1976, cả gia đình bên nội của anh vào TPHCM lập nghiệp. Thoạt đầu, vì gia cảnh quá túng thiếu nên anh Thành phải theo ông nội đi ăn xin. Ba anh làm nghề đạp xích lô, không có nhiều tiền lo cho con và cũng thường xuyên vắng nhà.

Anh Thành ở nhà với mẹ kế, thường xuyên bị bà la mắng, đánh đòn nên lúc nào buồn bã, lo sợ anh lại bỏ sang nhà hàng xóm ở nhờ. Một bận, khi ấy anh Thành chỉ mới 10 tuổi, rời nhà hàng xóm nhưng sợ về nhà sẽ bị tiếp tục bị mắng nên anh đi lang thang khắp thành phố.

Vài tháng sau, anh Thành được gia đình tìm thấy ở chợ Cầu Muối (quận 1, TPHCM) và đưa về nhà. Tuy nhiên, vì quá nhớ mẹ ruột, anh quyết định "đi bụi" một lần nữa.

Con mất tích, ba lập bàn thờ 28 năm không ngờ có ngày hội ngộ từ châu Úc - 2

Khi công bố kết quả ADN, anh Thành và ông Lo cùng trào nước mắt khi xác nhận cả hai thật sự có mối quan hệ huyết thống (Ảnh cắt từ clip NVCC).

Khi ông Lo đạp xích lô đến tìm ở bến xe, anh đã trốn, không để cho ba thấy. Anh đi theo những chiếc xe chở hàng, xe lam ra Chợ Lớn (quận 6), đi khắp thành phố, rồi cứ thế càng đi xa nơi mình sinh sống.

Đến khi nhận ra, anh Thành đã không còn nhớ đường về nhà và bắt đầu sống chuỗi ngày "ăn bờ, ở bụi".

"Lúc ấy, tôi đạp xích lô, mất mấy năm đi tìm con nhưng không thấy…", ông Lo bộc bạch. Hàng chục năm không tìm được, nghĩ con đi lạc, qua đời vì đói nên từ năm 1996, gia đình đã lập bàn thờ và tổ chức lễ giỗ hằng năm để tưởng nhớ. 

Lời xin lỗi sau gần 50 năm

Anh Thành chia sẻ, trong thời gian lang thang, anh được một gia đình nhận nuôi, chăm sóc cho đến khi trưởng thành, rồi sang nước ngoài sinh sống và làm việc.

"Tôi rất biết ơn ba mẹ nuôi đã cho tôi một cuộc sống đầy đủ, cứu tôi trong nghịch cảnh khi ấy", anh Thành trải lòng.

Dù có một gia đình mới vô cùng ấm áp, nhưng trong thâm tâm, anh Thành lúc nào cũng nhớ về ba mẹ, về cội nguồn của mình.

Người đàn ông bộc bạch, mãi đến năm 17 tuổi, anh mới học được cách viết tên mình ra giấy. Thế nhưng, anh vẫn thuộc lòng câu hát ru của mẹ, dù không biết bài hát ấy tên gì.

"Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng mà quê ta"… Câu hát ru ấy lúc nào cũng trong tâm trí tôi, gợi nhớ cho tôi về quê hương và khao khát tìm lại cội nguồn của mình", anh Thành nói.

Con mất tích, ba lập bàn thờ 28 năm không ngờ có ngày hội ngộ từ châu Úc - 3

Ngày trở về, anh Thành thắp hương cho mẹ và hạ bỏ ảnh thờ của chính mình (Ảnh cắt từ clip NVCC).

Tuy nhiên, hành trình tìm lại gia đình vô cùng vất vả, vì anh không nhớ gì ngoài khung cảnh và những ký ức vụn vặt, "chắp vá". Tháng 2, qua mạng xã hội, anh Thành chia sẻ câu chuyện của mình trên kênh Youtube chuyên tìm người thân thất lạc.

Không bao lâu, một người phụ nữ tên Sâm, trong một lần theo dõi kênh Youtube này, chợt nhận ra câu chuyện của anh rất giống thông tin về người con thất lạc của ông Lo, chú của chị. Không những vậy, gương mặt của anh Thành cũng có nhiều nét tương đồng với con trai của ông Lo.

Ngờ ngợ, chị Sâm vội liên lạc với chủ kênh Youtube để hai bên có buổi hội ngộ đầu tiên. Trong cuộc trò chuyện qua màn hình điện thoại, anh Thành và ông Lo, cùng những thành viên trong gia đình không khỏi xúc động khi mọi thông tin chia sẻ của hai bên đều trùng khớp.

Ông Lo dù đã lớn tuổi, bị lãng tai nhưng vẫn cố trò chuyện cùng con. Nhiều ký ức mơ hồ cũng dần được hai bên gợi mở. Cuộc trò chuyện tiếp theo cũng là lúc công bố kết quả ADN, ông Lo và anh Thành òa khóc nức nở khi chắc chắn 100% cả hai là ba con ruột thịt.

Con mất tích, ba lập bàn thờ 28 năm không ngờ có ngày hội ngộ từ châu Úc - 4

Anh Thành khóc nức nở trong ngày hội ngộ gia đình (Ảnh cắt từ clip NVCC).

Ngày từ Australia về quê nhà, anh Thành chạy đến ôm chầm lấy ba và các thành viên trong gia đình. Sau hàng chục năm xa cách, ai nấy đều không kiềm được nước mắt, khóc nức nở. Ông Lo sức khỏe yếu nên đứng không vững, chỉ có thể ôm chầm lấy con trai khi quá xúc động.

Anh Thành cũng vội vã vào nhà, thắp nén hương cho mẹ, đồng thời xin phép mẹ để được hạ bỏ hương ảnh của chính mình trên bàn thờ.

Ông Lo và anh Thành cùng gửi lời xin lỗi đến nhau, vì những điều không trọn vẹn trong quá khứ. Hai ba con giữ lời hứa sẽ thường xuyên liên lạc, để không lạc mất nhau như hàng chục năm trước.