Cơ sở bảo trợ quá tải vẫn cố giữ trẻ lại để hút tài trợ
(Dân trí) - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH nêu thực tế một số cơ sở trợ giúp xã hội trong tình trạng quá tải, nhưng vẫn cố giữ trẻ lại để thu hút tài trợ từ cộng đồng, không muốn chuyển trẻ đến nơi khác.
Cục trưởng Đặng Hoa Nam chia sẻ với phóng viên Dân trí ngày 5/9 xung quanh vụ trẻ em bị bạo hành, ngược đãi tại Mái ấm Hoa Hồng ở TPHCM.
Trước hết, lãnh đạo Cục Trẻ em thông tin, toàn bộ trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng đã được chuyển đến các cơ sở bảo trợ xã hội công lập khác để đảm bảo an toàn và điều kiện chăm sóc tốt hơn.
"Các cháu bé đã được an toàn và ở trong môi trường chăm sóc tốt hơn", ông Nam nói.
Từ vụ việc này, Cục trưởng Đặng Hoa Nam khái quát, có tình trạng quá tải ở nhiều cơ sở dẫn đến việc trẻ không nhận được sự chăm sóc tốt nhất. Việc này làm gia tăng nguy cơ mất an toàn cho trẻ.
Theo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Mái ấm Hoa Hồng là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí, được Phòng LĐ-TB&XH quận 12 cấp Giấy phép hoạt động vào ngày 7/7/2023, số lượng không quá 39 trẻ.
Nhưng tại thời điểm kiểm tra vào sáng 4/9, Sở phát hiện tại cơ sở có 15 trẻ dưới 12 tháng tuổi, 36 trẻ từ đủ 12 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi, 30 trẻ từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi đang đi học tại trường mầm non bên ngoài, 3 trẻ từ đủ 6 tuổi đến 12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị tại bệnh viện, tổng cộng là 86 trẻ, vượt 47 trẻ so với giấy phép.
"Có tình trạng, một số cơ sở trợ giúp xã hội muốn tập trung đông trẻ, thậm chí vượt quá số lượng cho phép để thu hút tài trợ từ cộng đồng, không muốn chuyển trẻ đi nơi khác.
Như tại Mái ấm Hoa Hồng, thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, số trẻ được chăm sóc nhiều gấp 3 lần so với quy định, vượt quá năng lực chăm sóc, dẫn đến tình trạng không đảm bảo an toàn cho trẻ", ông Nam nhận định.
Đại diện Cục Trẻ em cho biết thêm, các cơ sở chăm sóc, trợ giúp xã hội là nơi cung cấp dịch vụ chăm sóc nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra bạo lực, xâm hại nếu thiếu sự giám sát từ cơ quan nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu, giám sát viên và hệ thống camera nội bộ.
"Chúng tôi rất tiếc vì tại Mái ấm Hoa Hồng không có hệ thống giám sát như camera. Ban ngày, khi các nhà tài trợ đến, việc chăm sóc được thực hiện cẩn thận, nhưng ngoài giờ lại xảy ra tình trạng bạo lực", ông Nam chia sẻ.
Lãnh đạo Cục Trẻ em cho rằng, một trong những vấn đề cốt lõi dẫn đến tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em tại các cơ sở chăm sóc tập trung là sự thiếu hụt nhân lực tại cấp xã, phường.
Theo quy định của Luật Trẻ em, mỗi xã, phường phải có người phụ trách công tác trẻ em để phát hiện sớm và ngăn chặn các rủi ro cho trẻ em trong cộng đồng.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Trẻ em, công tác bảo vệ trẻ em hiện nay phần lớn giao cho công chức ngành lao động xã hội - những người vốn rất nhiều công việc, thường xuyên bị quá tải với nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, các hoạt động an sinh xã hội của ngành, dẫn đến tình trạng quá tải và thiếu năng lực chuyên môn.
Lắp camera để giám sát, phát hiện bạo lực trẻ em?
Qua vụ việc tại Mái ấm Hoa Hồng, lãnh đạo Cục Trẻ em nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở chăm sóc trẻ tập trung công lập, và ngoài công lập.
Ông Nam cho rằng, khi thanh tra, kiểm tra, không được bỏ sót những quy định của pháp luật mà các cơ sở chăm sóc trẻ tập trung phải thực hiện. Người đứng đầu các cơ sở này phải lập danh sách trẻ và thường xuyên liên hệ với UBND xã, phường, nơi trẻ đến để thực hiện việc chuyển đổi hình thức chăm sóc thay thế bằng gia đình, cá nhân, họ hàng… chuyển trẻ khỏi cơ sở chăm sóc khi quá tải.
Đối với các cơ sở chăm sóc trẻ không thu phí, trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải xử lý dứt điểm những việc như không lập sổ sách, không công khai về mặt tài chính… tránh việc trục lợi, lợi dụng việc chăm sóc tập trung trẻ để thu hút các nguồn tài trợ từ xã hội một cách không hợp lý.
Về lâu dài, theo ông Nam, cần có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, để đảm bảo được việc giám sát thường xuyên từng đầu trẻ, từng đối tượng trẻ. Qua đó, mới phòng ngừa, kéo giảm được tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em đang được chăm sóc trong cộng đồng, gia đình hoặc các cơ sở chăm sóc trẻ tập trung.
Trao đổi thêm về việc, nên bắt buộc lắp đặt camera giám sát tại các cơ sở chăm sóc trẻ em, ông Nam cho biết, Cục Trẻ em sẽ nghiên cứu và đề xuất quy định này trong thời gian tới.
"Bạo lực có thể xảy ra trong từng ngôi nhà, sau cánh cửa, trong đêm tối mà không ai phát hiện. Tuy nhiên, nếu có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, những trường hợp như vậy sẽ được giám sát thường xuyên," ông Nam nói.