Quảng Nam:
Có hộ dân đã thoát nghèo tương đối bền vững vẫn muốn... nghèo lại
(Dân trí) - Kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam cho thấy có trường hợp hộ dân đã thoát nghèo tương đối bền vững vẫn muốn lại nghèo để hưởng chính sách y tế, giáo dục.
Tại kỳ họp thứ IX, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam khóa X (diễn ra từ ngày 18-20/7), bà Trần Thị Bích Thu, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, đã báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện về chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2021.
Theo báo cáo, tổng kinh phí do ngân sách tỉnh cấp cho các địa phương để khuyến khích thoát nghèo giai đoạn 2018-2021 hơn 463 tỷ đồng. Các địa phương đã thực hiện chi trả các chế độ, chính sách theo đúng quy định và tương đối kịp thời.
Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, cùng với sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể ở các địa phương và sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, công tác giảm nghèo đã đạt được một số kết quả quan trọng.
Số hộ nghèo từ 12,9% năm 2016 giảm xuống còn 4,4% tính đến cuối năm 2021 (bình quân giảm 1,42%/năm), tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân mỗi năm 4,4%; nhiều xã nghèo đã hoàn thành mục tiêu chương trình giảm nghèo, ra khỏi danh sách xã nghèo và đạt chuẩn nông thôn mới.
"Kết quả nêu trên đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đời sống của một bộ phận hộ nghèo, cơ sở hạ tầng huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn được cải thiện", bà Trần Thị Bích Thu phát biểu.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, trong 5 năm (2017-2021), toàn tỉnh có hơn 5.600 hộ nghèo (gồm 65.400 khẩu) và hơn 15.000 hộ cận nghèo (gồm hơn 61.000 khẩu) đăng ký thoát nghèo bền vững.
Bình quân mỗi năm có hơn 3.100 hộ đăng ký thoát nghèo và hơn 3.000 hộ cận nghèo đăng ký thoát cận nghèo bền vững.
Việc đăng ký thoát nghèo chủ yếu tập trung ở các khu vực miền núi với hơn 11.700 hộ, khu vực đồng bằng đăng ký gần 3.900 hộ; đăng ký thoát cận nghèo chủ yếu tập trung ở các huyện đồng bằng với gần 9.500 hộ, khu vực miền núi đăng ký gần 5.500 hộ.
Trong 5 năm qua (2017-2021), toàn tỉnh có hơn 13.000 hộ được công nhận thoát nghèo và gần 14.000 hộ thoát cận nghèo. Bình quân có hơn 2.600 hộ thoát nghèo bền vững mỗi năm (đạt tỷ lệ 72,69%) và gần 2.800 hộ cận nghèo được công nhận thoát cận nghèo bền vững mỗi năm (đạt tỷ lệ 56,13%).
Kết quả này, theo bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam là chưa đạt so với mục tiêu của Nghị quyết 13 HĐND tỉnh đề ra cụ thể bình quân mỗi năm có khoảng 3.600 hộ nghèo và gần 5.000 hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
"Thực tế qua khảo sát, vẫn còn trường hợp có điều kiện, khả năng thoát nghèo nhưng không đăng ký thoát nghèo để tiếp tục hưởng các chế độ, chính sách hộ nghèo của nhà nước và cũng có hộ đã thoát nghèo tương đối bền vững vẫn muốn quay lại hộ nghèo để hưởng chính sách về y tế và giáo dục", bà Trần Thị Bích Thu - Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh Quảng Nam phát biểu.