Cô gái từng bị xâm hại tình dục xin "chứng nhận mất trinh" để... cưới chồng
(Dân trí) - Trước khi lấy chồng, cô gái bị xâm hại tình dục hồi nhỏ đi xin giấy chứng nhận... mất trinh. Nhưng không phải nạn nhân bị xâm hại nào cũng có thể vượt qua ám ảnh, có được sự mạnh mẽ đó.
27 tuổi, cô gái Nguyễn Cẩm Tú, dạy nhạc tại TPHCM đang phải đối diện với nút thắt chưa tìm được lời giải. Trước giờ cô luôn lo lắng, bất an về quá khứ của mình. Và giờ đây, khi sắp kết hôn, cô gái càng hoảng loạn không biết nên xử sự thế nào.
Bởi quá khứ là chuyện Tú luôn muốn gạt ra khỏi đầu, không bao giờ muốn nói đến, nhắc lại: Cô bị xâm hại tình dục (XHTD), từ khi 8 tuổi. Thủ phạm là em trai của mẹ Tú, người Tú gọi là cậu.
Những năm đó, cậu đến ở nhà Tú theo học phổ thông. Bố mẹ cô giao hết việc đưa đón, chăm sóc và kèm con gái học cho em trai .
Nhiều năm liền cậu rủ Tú chơi trò "người lớn". Việc này chỉ chấm dứt khi người cậu học hết lớp 12, vào cao đẳng, chuyển ra thành phố.
Tú, cũng như nhiều nạn nhân của XHTD, trải qua mọi cung bậc đau đớn, thù hận và cả ê chề, chán ghét chính bản thân. Phải rất khó khăn cô mới có thể bước vào mối quan hệ tình cảm nam nữ cách đây không lâu.
Bạn trai đã bàn giữa năm nay làm đám cưới, đến giờ Tú vẫn chưa biết phải làm sao. Tú không đủ dũng khí để nói ra với bạn trai sự thật, như cô đã chọn cách im lặng với bố mẹ, với tất cả mọi người bao nhiêu năm qua. Hơn nữa, cô sợ bạn trai không tin, không thông cảm, ảnh hưởng đến hạnh phúc lâu dài. Nhưng nghĩ đến việc che giấu, cô thấy căng tức lồng ngực với cảm giác tội lỗi.
Không biết phải đứng đâu ở ranh giới giữa "bí mật" và "nói ra sự thật", Tú từng nghĩ đến việc hủy hôn. Cô tự nhủ, có thể đời này sẽ không lấy chồng, đời này cô không thể hạnh phúc...
Mất niềm tin vào tình yêu, sợ hãi khi nhắc đến hôn nhân hoặc hạnh phúc gia đình bị ảnh hưởng là nỗi đau dai dẳng với nhiều nạn nhân bị XHTD.
Hạnh phúc tan vỡ vì từng bị xâm hại
Chị Lê Thu Ph., 31 tuổi, ở TPHCM đang tiếp tục đối mặt với tháng ngày đau thương của cuộc đời. Vợ chồng chị chuẩn bị ly hôn sau gần hai năm kết hôn, xoay quanh nỗi ám ảnh từng bị XHTD ngày nhỏ.
Năm học lớp 2, chị bị người chú họ xa XHTD. Chị không dám hé một lời với ai, bố mẹ không hề hay biết. Cô bé ấy ngày nhỏ đã thường xuyên trốn một mình góc phòng, góc tủ, trên sân thượng... ngồi khóc như một cách tự vỗ về, an ủi bản thân. Lớn lên, sự uất hận, đớn đau trong chị càng lớn, chị không còn muốn nhắc đến chuyện ấy một lần nào nữa.
Chị Ph. kể, sau ngày cưới, không thể giữ bí mật, chị kể lại với chồng trong nước mắt về sự việc. Chị nhớ hình ảnh anh hất chị ra rồi gào lên như một con thú.
Anh đay nghiến, nói vợ không còn này kia. Từ đó, cứ mỗi lần vợ chồng cãi nhau, hay lúc có chút men trong người, thậm chí ngay khi vợ chồng gần gũi, anh cũng lôi chuyện trinh tiết ra chì chiết. Anh nói chị bịa đặt, làm gì có chuyện hoang đường đó. Anh vặn vẹo hỏi sao không mách người lớn, sao không tố cáo... như những mũi tên găm thẳng vào vết thương sâu thẳm trong chị.
Mọi nỗ lực xây dựng mối quan hệ vợ chồng, vun vén gia đình của chị không thành. Chị mệt mỏi, đau đớn khi không thể thay đổi quá khứ, không thể giữ được hạnh phúc gia đình. Chị lại tiếp tục hành trình điều trị tâm thần.
"Hậu quả của xâm hại tình dục thật khủng khiếp. Không chỉ là vết thương không thể lành trên thân thể, trong tâm hồn, trong bộ não mà còn đeo đẳng trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của nạn nhân", chị Ph. nói.
Từ trải nghiệm của mình, chị Ph. bày tỏ, các nạn nhân hãy cân nhắc kỹ lưỡng nên tiết lộ hay không việc mình từng bị XHTD với người bạn đời. Rất khó nói "im lặng" hay "nói ra", cái nào tốt hơn cái nào, đó là quyết định, lựa chọn và cả sự sẵn sàng đối mặt của mỗi người...
Nhưng theo chị, dù muốn hay không thì rất nhiều người vẫn quan niệm việc bị XHTD là ô uế, nhơ nhớp...
Đối mặt, đấu tranh để chữa lành
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, chi hội trưởng Chi hội luật sư, Hội bảo vệ quyền trẻ em TPHCM chia sẻ, cách đây không lâu, một cô gái đến văn phòng của hội để xin giấy xác nhận bị... mất trinh. Trích lục lại bản án trước đây, thì ra em là nạn nhân bị XHTD năm 8 tuổi và hội đã hỗ trợ giải quyết sự việc, kẻ xấu bị xử lý.
Vượt qua nỗi đau, cô gái ngày ấy nay rất thành đạt và chuẩn bị lấy chồng. Cô gái xin giấy xác nhận mất trinh, xác nhận mình từng bị XHTD, không né tránh để chồng biết về vấn đề của mình. Và hiện nay, cô gái có cuộc sống rất hạnh phúc.
Theo bà Nữ, đối với tội phạm XHTD, nạn nhân được lên tiếng, được bảo vệ, kẻ ác bị trừng trị, đó là yếu tố cực kỳ quan trọng để chữa lành vết thương cho chính mình. Chỉ khi đó các em mới dễ vực lại được lòng tin với chính bản thân rằng lỗi không phải ở mình mà do kẻ xấu.
Còn khi sự việc chìm vào im lặng, bị che đậy, kẻ ác vẫn nhởn nhơ thì nạn nhân sẽ càng phải chịu đựng nhiều thương tổn, dằn vặt, mặc cảm, tự đổ lỗi cho mình, hạ thấp giá trị bản thân... Chính điều này có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc lâu dài, đến cả cuộc đời.