Cô gái bật khóc nức nở vì "bí mật" trong nhật ký của bà ngoại
(Dân trí) - "Con gái, mẹ yêu con nhiều lắm, nhưng mẹ không thể nói bằng lời được…", dòng chữ mà bà ngoại viết về mẹ Anh Thư trong quyển nhật ký, khiến cô gái không kìm được nước mắt.
Mới đây, mạng xã hội lan tỏa hình ảnh về những trang nhật ký của người bà viết cho gia đình. Mỗi trang chữ viết tay là một câu chuyện xúc động khiến cư dân mạng rơi nước mắt.
Chủ nhân những bức ảnh được đăng tải, chị Đoàn Lê Anh Thư (26 tuổi, quê Mỹ Tho), cho hay đó là nhật ký của bà ngoại mình. Năm nay bà đã 75 tuổi. Bà có sở thích ghi chép mọi thứ liên quan đến gia đình, một phần vì bản thân ngại chia sẻ cảm xúc thật với người khác.
"Trong một lần tình cờ, tôi tìm được quyển nhật ký này của ngoại. Vì tò mò muốn biết ngoại viết gì trong đó, tôi đã mang vào phòng ngồi đọc. Lật từng trang, đọc từng dòng ngoại viết, nước mắt tôi cứ thế lã chã rơi", Thư nghẹn ngào kể.
Trong quyển sổ, bà ngoại của chị Thư ghi lại từng kỷ niệm, thời khắc quan trọng của mỗi thành viên trong gia đình và cả tâm tư của riêng mình.
Chị Thư chia sẻ, bà có 3 người con, trong đó 2 con trai lập gia đình ở xa, riêng người con gái là mẹ của Thư luôn kề cận chăm sóc bà. Năm 2017, ông ngoại chị Thư qua đời, bà sống lặng lẽ hẳn.
Bà ngoại trải lòng trong quyển nhật ký: "Cuộc đời của mẹ buồn nhất là khi ba các con bỏ mẹ con mình ra đi mãi mãi", "Vợ chồng mình lấy nhau từ năm 1969, vui buồn, cực khổ có nhau mà giờ đây anh bỏ em một mình trên cõi đời. Em nhớ anh nhiều lắm".
Kể từ khi ông ngoại mất, cả gia đình sợ bà ngoại cô đơn nên càng dành nhiều sự quan tâm đến bà hơn. Chính vì thế, bà luôn yêu thương, trân trọng tình cảm gia đình.
Bà cũng viết những lời gan ruột trong một trang riêng dành cho mẹ chị Thư: "Con gái, mẹ yêu con nhiều lắm, nhưng mẹ không nói bằng lời được, vì mẹ hay bị cảm xúc (không kiềm được cảm xúc) và mẹ sẽ khóc. Có đôi khi mẹ nói và làm cho con buồn, nhưng con không bỏ mẹ mà vẫn lo lắng cho mẹ. Mẹ rất biết ơn con, yêu con nhiều".
Bà còn cẩn thận ghi chú lại thời gian cụ thể về thời khắc quan trọng, kỷ niệm của từng thành viên trong gia đình mà thậm chí những "người trong cuộc" cũng không tài nào nhớ được. Chẳng hạn như ngày đầu tiên chị Thư đi làm, lúc mẹ của chị đi du lịch, bị tai nạn… bà ngoại đều ghi chép đầy đủ.
Bà ngoại còn tự thuật về bản thân: "Từ nhỏ, tôi không biết mặt của ba mẹ ra sao. Tôi được ba mẹ nuôi đem về nhà. Lớn lên, tôi theo Cách mạng. Tôi được cơ quan cho học văn hóa, lớp bổ túc. Lúc bấy giờ, tôi mới biết đọc chữ "a, ă, â". Vậy mà tôi theo học lên được lớp 6. Nhờ ơn Đảng và Cách mạng nên tôi mới biết chữ. Tôi biết ơn Đảng và Cách mạng rất nhiều".
Thư bộc bạch, thường ngày, bà ngoại luôn thể hiện tinh thần lạc quan, hay cười nhưng không giỏi bày tỏ cảm xúc với người khác. Bà ngoại còn ngại chụp ảnh nên để có những khoảng khắc ghi lại về bà, chị Thư thường phải ra sức thuyết phục rất nhiều.
Vì thế, cô vô cùng bất ngờ và xúc động khi biết ngoại cũng chất chứa rất nhiều tâm tư, chỉ có thể trải lòng vào trong quyển nhật ký.
"Từ khi tôi còn nhỏ, ba mẹ đã cho tôi ở cùng ông bà ngoại. Lớn lên bằng tình thương của ông bà, ba mẹ, gia đình, tôi cảm thấy mình là một đứa trẻ rất may mắn. Mong rằng những đứa trẻ chúng ta lớn lên sẽ luôn nhớ, yêu thương, biết ơn ông bà, ba mẹ và các thành viên trong gia đình", chị Thư bùi ngùi.