Bạc Liêu:
Chuyện về thương binh dành tiền vá đường, trồng hoa để làm đẹp xóm làng
(Dân trí) - Chỉ còn một tay nhưng nhiều năm qua ông đã làm việc "bao đồng" như vá đường nông thôn, hỗ trợ người nghèo. Ngày cưới gần 30 năm trước, ông từng khó khăn đến nỗi vợ phải may cho áo mặc làm chú rể...
Anh thương binh hiền lành dễ mến
Chỉ còn một tay nhưng cựu chiến binh người dân tộc Khmer Danh Văn Thoại (ngụ huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) vẫn thoăn thoắt làm mọi việc. Lấy trong tủ ra những tấm giấy khen tuyên dương việc làm, ông mở đầu câu chuyện: "Tôi được khen tặng thấy vinh dự lắm, cái này góp phần khích lệ mình cố gắng làm tốt hơn nữa để giúp cộng đồng xã hội".
Năm nay 55 tuổi, sức khỏe phần nào kém đi do thương tật chiến tranh đã lấy đi một cánh tay trái của ông. Nhưng ông nói, mỗi ngày mà không làm việc gì đó là rất khó chịu. Cũng cái "tật" này mà ông luôn nghĩ ra làm gì để giúp bà con nghèo, đường sá nông thôn cho sạch đẹp...
Ông sinh ra trong một gia đình dân tộc Khmer nghèo khi đất nước còn chiến tranh. Ông Danh Văn Thoại nhớ lại, hồi đó nhiều người thân quen đi bộ đội nên lớn lên ông cũng muốn theo cách mạng. Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, 9 năm sau, vào tháng 3/1984, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, lúc đó mới 18 tuổi.
Ông Thoại kể: "Vào chiến đấu được 8 tháng, trong một trận đánh mùa khô, tôi bị thương nặng, phải cắt bỏ cánh tay trái rồi được đưa về nước điều trị. Khoảng cuối tháng 5/1985, tôi được cho xuất ngũ với thương tật 61%, trở thành thương binh 2/4".
Rời quân ngũ khi 19 tuổi, thương binh Danh Văn Thoại về quê nuôi vịt và trồng trọt phụ giúp gia đình. Dù chỉ còn một tay nhưng chàng thanh niên trẻ siêng năng, chịu khó làm ăn nên cuộc sống gia đình tạm ổn định qua ngày.
Sau 8 năm trở về quê tăng gia sản xuất, ông gặp được bà Lê Xuân Hương, một giáo viên tiểu học, rồi cả 2 nên nghĩa vợ chồng.
"Lấy vợ, tôi về quê Phước Long sinh sống đến nay. Tôi trồng cây ăn trái, nuôi heo. Còn bà ấy tiếp tục dạy học, nương nhau mà sống trong thời buổi còn lắm khó khăn", ông Danh Văn Thoại chia sẻ.
Chuyện cưới hỏi của 2 ông bà nghe qua như một câu chuyện cổ tích. Hồi đó, bà Lê Xuân Hương là một cô gái dễ thương, có học thức, được nhiều người yêu mến. Lúc quen nhau, bản thân ông Danh Văn Thoại bị thương tật, gia đình lại rất nghèo.
Bà nhớ lại: "Ổng bị thương tật vậy nhưng thương ổng có cái tính hiền lành, thương người, mới chịu làm vợ ổng. Ngày đám cưới, nghèo khó đến nỗi ông ấy chẳng có cái áo nào coi được để đi rước dâu. Tính tới tính lui, tôi đã tự tay may cho ông ấy cái áo sơ mi để mặc làm chú rể cho tươm tất".
Nói rồi, bà lấy trong phòng ra một chiếc áo sơ mi dài tay màu trắng ngà mà bà vẫn giữ đến bây giờ đã mấy chục năm. "Cái áo đó tôi giữ đến giờ luôn, còn khá nguyên vẹn, hơi cũ đi thôi, có rách chút ở cổ áo, kỷ niệm dữ lắm", vợ ông Danh Văn Thoại bồi bồi.
Nghe bà nói, ông cười gật đầu bảy tỏ sự đồng lòng. Cuộc sống của ông bà hạnh phúc hơn khi đã có 2 con lần lượt ra đời "đủ nếp, đủ tẻ". Cùng nhau vượt qua khó khăn, vợ chồng ông bà nuôi con khôn lớn, thành đạt. Con gái là bác sĩ và con trai là kỹ sư.
Dành tiền thưởng để làm việc... "bao đồng"
Điều trân quý ở người cựu chiến binh 55 tuổi này là dù gia đình không mấy khá giả nhưng ông lại thích làm việc mà nhiều người vẫn gọi là "bao đồng".
Ông Danh Văn Thoại nhớ lại, vào năm 2014, khi thấy các em học sinh trong ấp đi học bị sụp ổ gà, quần áo, sách vỡ lấm lem bùn đất. Ông thấy thương nên đã trích một phần tiền từ chế độ thương binh của mình (hơn một triệu đồng/tháng) để mua vật liệu xây dựng vá đường.
Bản thân chỉ còn một tay nên khi làm việc nặng nhọc cũng gặp khó khăn. Do đó, khi đi vá đường, ông nhờ một người trong xóm chở đi mua vật liệu xây dựng về trộn sẵn rồi đưa lên xe máy chở đi đến chỗ nào có ổ gà, ổ voi thì vá lại.
"Mình vá lại ổ gà ở tuyến đường để các cháu học sinh, bà con đi lại cho an toàn. Chứ nhìn cảnh sụp lên sụp xuống là không chịu được", ông Danh Văn Thoại chia sẻ lý do đầu tiên khi bỏ tiền túi làm việc "bao đồng".
Không chỉ vá đường, với phong trào xây dựng nông thôn mới, thấy tuyến đường không được khang trang, đẹp mắt, ông đã ươm giống hoa kiểng cũng như vận động bà con trồng nhiều loại hoa theo tuyến đường ở ấp, trước nhà của người dân.
Hay những người trong xóm hễ ai kêu làm cỏ, trồng hoa kiểng, vá đường…, ông đều sẵn sàng làm mà không nghĩ ngợi gì. Những việc làm này vẫn được ông duy trì từ nhiều năm qua.
"Ổng có tính hay thương người nghèo và làm việc bao đồng. Ổng hay nói là mình cũng từng rất nghèo khó nên giờ giúp ai được gì là giúp thôi", vợ ông bày tỏ.
Ông Danh Văn Thoại hiện là chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp Long Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Người khuyết tật thị trấn Phước Long. Dù có nhiều người ngỏ ý muốn gửi tiền hỗ trợ cho ông nhưng ông nhất quyết không nhận. Bởi theo cựu binh này, làm việc tốt là có bao nhiêu làm bấy nhiêu và đơn giản là "người ta cũng cần mình".
Với những cống hiến, việc làm đầy ý nghĩa của mình, cựu binh Danh Văn Thoại đã nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen, tuyên dương của các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh.
Một điều đáng quý như ông Danh Văn Thoại nói là tất cả số tiền thưởng mà ông nhận được sẽ cất vào một cái hộp mà ông gọi là "hộp từ thiện". Ông không sử dụng số tiền vào bất cứ việc gì khác ngoài dùng làm chi phí mua vật liệu, thiết bị làm đường, trồng hoa, giúp đỡ những người khó khăn.
Người cựu binh này chia sẻ: "Bản thân tôi luôn ý thức và trách nhiệm của một người cựu chiến binh, đảng viên sống gương mẫu, làm trước bằng những hành động thiết thực với tinh thần không lùi bước trước khó khăn, miễn sao giúp ích được cho người dân, cộng đồng".
Trong quý II/2021, cựu chiến binh Danh Văn Thoại là một trong 2 cá nhân được Ban thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu tuyên dương gương điển hình tiêu biểu trong "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Những năm qua, ông Danh Văn Thoại đã đứng ra vận động người dân xây dựng tuyến lộ giao thông nông thôn dài hơn 1,5 km, trồng hoa kiểng tuyến đường dài 2 km, phát hoang hai bên đường, xây dựng 60 hố xử lý rác gia đình…
Ông còn vận động giúp học sinh bị tai nạn giao thông, hộ nghèo điều trị bệnh, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, quỹ an sinh xã hội, hỗ trợ người khuyết tật... với số tiền hàng trăm triệu đồng.