Chuyện ở làng phụ nữ chếnh choáng từ sáng sớm, đàn ông tơ tướp vì rượu
(Dân trí) - Không khó để bắt gặp hình ảnh đàn ông, đàn bà bon B'Nơr ngật ngưỡng từ nhà này sang nhà khác. Rượu tàn phá sức khỏe những lao động chính, khiến đói nghèo cứ luẩn quẩn ở bon (buôn) làng này.
Buồn chuyện... được thoát nghèo
Bon B'Nơr (xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) nằm sát chân núi Tà Đùng, cách hồ Tà Đùng - "Vịnh Hạ Long của Tây Nguyên" chỉ vài bước chân.
Khác với vẻ nhộn nhịp, sầm uất, đông đúc người qua lại phía bên kia quốc lộ 28, từ ngay cổng vào bon B'Nơr, không khí đã ảm đạm, vắng vẻ vô cùng.
9h sáng, con đường chạy vòng quanh bon vắng người qua lại. Ngoài những đứa trẻ đang lủi thủi tự chơi thì tiếng nhạc xập xình có lẽ là điều gây chú ý nhất với khách đặt chân tới ngôi làng của đồng bào Mạ này.
Một cô gái bản địa dẫn đường đưa khách ghé vào nhà Ka Thu (38 tuổi). Căn nhà cấp 4 cửa đóng kín mít, tưởng chừng như người trong nhà đã đi vắng hết. Thế nhưng chỉ cần len qua một lối nhỏ dẫn về phía cuối căn nhà là thấy ở đây bày sẵn một bàn rượu, xôm tụ cả chủ và khách.
Trong căn bếp chỉ chừng 10m2 có 5 người lớn và 5 đứa trẻ xúm xít bên bàn rượu. Bữa rượu bày biện ngay dưới nền nhà. Ngoài 2 chai rượu trắng, ước chừng gần 3 lít, cá suối và tô rau rừng luộc là hai món chính cho bữa rượu này.
Chị Ka Thu, mồ hôi nhễ nhại, một tay quạt, tay kia cầm ly rượu đon đả mời khách. Hỏi ra mới biết, Ka Thu là người tỉnh Lâm Đồng, sau khi lấy chồng thì về đây làm dâu. Vợ chồng Ka Thu có 5 người con, nhưng đến nay chỉ có một cháu được đi học.
Khi đã ngà ngà rượu, Ka Thu kể, năm trước, gia đình chị được hỗ trợ xây dựng căn nhà kiên cố này. Tưởng chừng có nhà mới thì cuộc sống sẽ bớt khó khăn hơn vì gia đình đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, song người phụ nữ lại tiếc nuối khi chế độ dành cho hộ nghèo vì thế cũng bị cắt hết.
Buồn chuyện được "thoát nghèo", Ka Thu và chồng tìm đến rượu. Theo lời người phụ nữ này, chỉ có rượu mới giúp chị dũng cảm nhìn thẳng vào thực tế của gia đình.
"Tôi chỉ lo được cho 1 cháu đi học, với 4 cháu còn lại, vợ chồng tôi không đủ can đảm để lo. Cũng biết không được đến trường học chữ là thiệt thòi nhưng các con đi học thì bố mẹ đi làm không đủ nuôi. Để vài năm nữa chúng lớn rồi chúng đi làm giúp bố mẹ", Ka Thu thật thà nói.
Bữa rượu càng lúc càng náo nhiệt. H'Tính ríu rít nói cười, trên lưng địu đứa con 2 tuổi đang thiêm thiếp ngủ. Đôi má đứa trẻ ửng đỏ vì nóng nhưng có lẽ vẫn không đỏ bằng khuôn mặt của người phụ nữ đang lâng lâng hơi men.
H'Tính chia sẻ: "Lúc trước, mới đẻ con tôi không uống nhưng bây giờ con lớn thì lại uống. Uống buổi sáng cũng được, uống buổi chiều cũng được, tùy mình thôi. Uống vậy nhưng không phải nghiện đâu, vì nghiện rượu thì phải uống nhiều hơn nữa".
Những trụ cột gia đình "đi không được, đứng cũng không được"
Mặt trời đã lên thẳng đứng, tiệc rượu ở nhà Ka Thu vẫn chưa tan. Dưới ánh nắng chói chang của mùa hè, những đứa trẻ mải chơi ngoài đường nhựa nóng rẫy chạy đi tìm bóng mát.
Trên đường, hai người đàn ông khoác vai nhau, chân trần, loạng choạng bước. Dưới ánh mắt tò mò của những đứa trẻ, cả hai bèn chia tay để trở về nhà, không quên gửi nhau lời hẹn... chiều sẽ ngồi lại với nhau.
Vừa đặt chân đến cửa nhà, K'Mét ngồi ụych xuống đất. Khó có thể mường tượng người đàn ông say khướt kia chưa tròn 40 tuổi.
Hơn 15 năm đắm chìm trong những cơn say, men rượu, K'Mét từ một thanh niên trẻ, khỏe biến thành một ông già bệnh tật. Bụng chướng to, đôi mắt đã chuyển màu vàng nghệ là minh chứng rõ nhất của một người mắc bệnh gan lâu năm.
Không có tiền chữa trị, K'Mét phó mặc cuộc đời mình cho ông trời quyết định. Thứ mà người đàn ông này lo nhất mỗi ngày là kiếm đâu ra tiền để mua được rượu.
Trong cơn chếnh choáng, K'Mét nói: "Ngày xưa khỏe như con voi, từ khi nghiện rượu, em đi không được, em đứng cũng không được. Hôm nào đi làm thuê được thì lấy tiền đó mua rượu. Hôm nào thiếu thì xin tiền vợ, con để mua rượu".
Cũng giống như nhiều căn nhà khác trong bon, nhà của K'Mét rách nát và xiêu vẹo, bên trong nhà trống huơ, trống hoác. Ngoài 2 chiếc giường được làm bằng thân lồ ô đập dập, có lẽ mấy chiếc thùng nhựa đựng nước là tài sản quý giá nhất.
Vợ K'Mét thấy chồng say xỉn cũng không buồn nói thêm điều gì bởi đã từ lâu, người đàn ông này đã không còn là trụ cột gia đình.
"Ông ấy say rồi về lại ngủ. Ngủ dậy lại đi tìm bạn để uống rượu. Vợ con nói nhiều rồi cũng không thay đổi được gì", người vợ buông lời than vãn khi được hỏi về hoàn cảnh của gia đình.
Cai rượu mới thoát được nghèo
Cạnh nhà K'Mét, ông K'Phú (45 tuổi) cũng đã có thâm niên trong việc uống rượu. Hàng ngày, nếu không đi làm thì người đàn ông này đều tìm đến rượu để giết thời gian.
Nhắc đến thói quen uống rượu của mình, ông K'Phú thật thà nói: "Ngày nào nhiều thì uống 1 lít, ngày nào đi làm thì mình uống có nửa lít. Hôm nào có bạn bè uống cùng thì 3-4 lít chưa say. Đi làm phải có bình rượu mang theo uống cho... đỡ khát nước".
Gần nửa cuộc đời gắn với "ma men", ông K'Phú đã có lúc nghĩ đến chuyện bỏ rượu. Bi hài ở chỗ, quyết tâm là thế song mới "nhịn" rượu được 3 ngày, người đàn ông này đã bồn chồn, run rẩy đến nỗi không thể làm được việc gì.
"Đi làm không có rượu là không leo cây được, ở nhà không có rượu là không ngủ được. Mình cũng mắc bệnh gan rồi!", ông K'Phú nói.
Theo thống kê của UBND xã Đắk Som, toàn bon B'Nơr có 400 hộ dân thì tới hơn 120 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo. Những cơn say triền miên, nhiều hộ dân ở đây lay lắt trong đói nghèo, nhiều đứa trẻ không được đến trường vì bố mẹ chìm đắm trong men rượu.
Ông Lê Văn Đại, Chủ tịch UBND xã Đắk Som cho biết, trước thực tế tại bon B'Nơr, chính quyền địa phương cùng công an xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ rượu để đi làm, phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND xã Đắk Som cũng trăn trở khi số lượng người nghiện rượu rất cao, đời sống của người dân bon B'Nơr vẫn chìm trong đói nghèo. Việc "cai rượu" cho người dân ở bon này thực sự là một trong những thách thức, nhiệm vụ gian nan cho nỗ lực giảm nghèo của chính quyền địa phương
* Tên các nhân vật đã được thay đổi