Chuyên gia ILO: Cách tính lương hưu ở Việt Nam quá hào phóng
(Dân trí) - Theo chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), thiết kế chế độ hưu trí hiện nay của Việt Nam quá hào phóng, cách tính lương hưu có lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Chia sẻ tại hội thảo tham vấn về dự thảo luật BHXH (sửa đổi), ông André Gama, chuyên gia của ILO tại Việt Nam, cho biết: "Khi đến Việt Nam làm việc, tôi ấn tượng với hệ thống BHXH rất toàn diện ở đây. Tôi bất ngờ vì người dân hiểu biết rất ít về những lợi ích của hệ thống BHXH toàn diện này".
Điều ông André Gama ngạc nhiên nhất là chế độ hưu trí dành cho người tham gia BHXH của Việt Nam quá hào phóng, tỷ lệ quy đổi khá cao so với mặt bằng chung của thế giới. ILO từng có nghiên cứu về tỷ lệ quy đổi thời gian đóng BHXH sang lương hưu cao ấn tượng này của Việt Nam.
Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng cho biết: "Nhiều chuyên gia đánh giá là chế độ BHXH của chúng ta rất hào phóng, mức đóng BHXH càng cao thì càng hưởng lợi".
Với quy định hiện hành, lao động nam đóng BHXH 35 năm và lao động nữ đóng BHXH 30 năm là được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% mức lương/thu nhập hàng tháng bình quân đóng BHXH.
Như vậy, tỷ lệ quy đổi là 2,14% cho mỗi năm đóng góp BHXH đối với lao động nam và 2,5% cho mỗi năm đóng góp BHXH đối với lao động nữ. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nước chỉ cho phép hưởng lương hưu tối đa không quá 60% mức lương đóng BHXH với thời gian đóng lên đến 40 năm.
Ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó giám đốc BHXH TPHCM, cũng đồng tình: "Chế độ hưu trí trong chính sách BHXH được thiết kế rất có lợi cho người lao động với mức hưởng đang cao hơn nhiều so với mức đóng góp".
Theo ông Thanh, không chỉ tỷ lệ quy đổi lương hưu cao mà mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu, định kỳ lương hưu được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống.
Từ năm 1995 đến năm 2022, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu. Trong các năm qua, dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh tăng hằng năm. Năm 2023, lương hưu tiếp tục được điều chỉnh khi tăng lương cơ sở từ 1.490.000 đồng lên 1.800.000 đồng.
Ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết, hiện chính sách BHXH được thực hiện với hai loại hình là BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Trong đó, chính sách BHXH bắt buộc có vai trò đặc biệt quan trọng.
Ông nói: "Ngoài việc giúp người lao động ổn định cuộc sống ngay khi đang làm việc, chính sách BHXH còn trợ giúp người lao động khi rủi ro bị giảm hay mất thu nhập, không còn khả năng lao động thông qua thụ hưởng 5 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất".
Tuy nhiên, điều ông lo lắng là hiện tình trạng người lao động đề nghị rút BHXH một lần vẫn diễn ra, đặc biệt là trong những năm kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 vừa qua.
"Dù chúng tôi tư vấn, khuyên nhủ rất nhiều nhưng họ vẫn không nghe. Rất nhiều người không quan tâm đến việc sau 60 tuổi sẽ sống như thế nào", ông Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ.
Ông André Gama, chuyên gia của ILO, cũng ngạc nhiên vì người lao động Việt Nam ít hiểu biết về các lợi ích của chế độ BHXH hiện hành.
Theo ông André Gama, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc làm cho người dân hiểu hệ thống BHXH như thế nào, làm sao cho mọi người biết quỹ BHXH hoạt động như thế nào, chi trả ra sao… thì họ sẽ tin tưởng và hiểu lợi ích của việc tham gia BHXH.