Chủ tịch TPHCM: Chăm lo trẻ mồ côi không khéo có thể tổn thương các cháu
(Dân trí) - Việc chăm lo người già neo đơn, trẻ mồ côi là vấn đề lớn, cần thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng. Nếu làm không khéo, tình thương của chúng ta có thể gây tổn thương thêm các cháu", ông Phan Văn Mãi lưu ý.
Tại Phiên thảo luận tổ của HĐND TPHCM chiều 18/10, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố, nhìn nhận giai đoạn phòng, chống Covid-19 vừa rồi có thể coi là khoảng thời gian khó khăn nhất của địa bàn trong vòng vài chục năm qua. Qua đại dịch, chính quyền thành phố đã nhìn thấy những tiềm năng, động lực để phát triển. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là cách để khai mở những nguồn năng lượng ấy.
"Trong quá trình phòng, chống dịch, thành phố đã nhìn thấy bài học về sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng. Thành phố cần trả lời được câu hỏi, chúng ta vận dụng bài học ấy ra sao trong giai đoạn phục hồi và phát triển", Chủ tịch UBND TPHCM đặt vấn đề.
Có hàng chục nghìn tỷ đồng cũng không lo nổi
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thời gian vừa qua, nếu không có sự đóng góp và chung sức đồng lòng của người dân, thành phố sẽ không thể đảm bảo nổi các phương tiện phòng, chống dịch như bệnh viện dã chiến, xe cứu thương, máy thở, trang thiết bị y tế. Thậm chí cả chính sách an sinh xã hội cho người dân.
"Ngay cả ngân sách có sẵn hàng chục nghìn tỷ đồng, chúng ta cũng không thể mua đủ nổi trang, thiết bị với quy trình hiện tại", ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, vướng mắc về thủ tục hành chính đã và đang là điểm nghẽn trong quá trình phát triển của thành phố. Khi điểm nghẽn này được gỡ bỏ, năng lượng trong cộng đồng doanh nghiệp, người dân sẽ "bung ra", tạo nên sự phát triển lớn cho toàn địa bàn.
Ông Phan Văn Mãi nhắc lại thông điệp, thời gian tới, chính quyền cùng doanh nghiệp cần phải thi đua trong công tác phục hồi, phát triển nền kinh tế. Trong đó, chính quyền cần thi đua để thật sự tạo ra cải cách, kiến tạo để tháo gỡ các vướng mắc. Doanh nghiệp thi đua trong công cuộc tái cấu trúc, đổi mới lao động, sản xuất, nâng cao năng suất.
"Một trong những việc TPHCM cần tập trung thời gian tới là cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ. Thành phố sẽ ngồi lại, nghe từng vướng mắc, giải quyết từng vướng mắc của người dân, doanh nghiệp", ông Phan Văn Mãi nêu định hướng.
Lo nhà ở cho người quay lại TPHCM
Chủ tịch UBND TPHCM nhìn nhận: "Sau đại dịch, chúng ta nói nhiều về phục hồi kinh tế, nhưng qua thời gian khó khăn nhất, thành phố đã thấy cả điểm mạnh lẫn điểm yếu của kinh tế - xã hội. Thành phố cần phục hồi, nhưng bên cạnh đó cũng cần chăm lo đời sống người dân, kiến thiết đô thị, sắp xếp dân cư cùng các hoạt động văn hóa, tinh thần khác".
Cụ thể, TPHCM cần tính toán phương án đảm bảo nhà ở đủ điều kiện cho người lao động, người thu nhập thấp đang phải cư trú tại những khu vực trật trội.
Người đứng đầu chính quyền thành phố thông tin, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố đã lắng nghe các đơn vị trình bày những phác thảo bước đầu của đề án nhà ở cho công nhân, người lao động, người thu nhập thấp. Trong đó, thành phố đã tính toán tới các chính sách cải tạo hệ thống nhà trọ hiện hữu.
"Nếu có chính sách tốt, thành phố sẽ cải tạo được hàng trăm nghìn căn nhà trọ trong vài tháng tới để nhóm đối tượng trên tiếp cận. Còn nếu xây mới nhà 5-10 tầng, thành phố mất ít nhất một năm nữa", ông Phan Văn Mãi phân tích.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề nhà trên kênh, rạch, các chung cư cũ, nguy cơ đổ nát. Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, đây là vấn đề cần làm ngay để từng bước triển khai chương trình nhà ở cho đô thị quy mô 10 triệu dân.
"Việc để người dân có chỗ ở tốt hơn khi quay lại thành phố là một ý tưởng không ai phản đối. Tuy nhiên, khi triển khai sẽ đụng vào các cơ chế, quy định, thành phố cần thí điểm để triển khai được rộng rãi các ý tưởng này", ông Phan Văn Mãi nhìn nhận thách thức.
Chăm lo thế nào để tránh tổn thương?
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong tuần sau, chính quyền thành phố sẽ công bố kế hoạch chăm lo cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi do dịch Covid-19. TPHCM sẽ có các khung chính sách cho từng nhóm đối tượng.
Tuy nhiên, ngay cả khi khung chính sách chưa được thông qua, suốt quãng thời gian dài, chính quyền thành phố cùng các địa phương, tổ chức, đoàn thể đã cùng tham gia giải quyết vấn đề trên. Trong đó, TPHCM đã có chủ trương hỗ trợ các em mồ côi được đi học đến năm 18 tuổi, hỗ trợ học phí, hỗ trợ cả những lĩnh vực khác.
"Tuy nhiên, việc chăm lo người già neo đơn, trẻ mồ côi là vấn đề xã hội rất lớn, cần thực hiện cẩn thận, kỹ lưỡng. Nếu làm không khéo, tình thương của chúng ta có thể gây tổn thương thêm các cháu", ông Phan Văn Mãi lưu ý.
Để làm được điều này, Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, những hành động cần thể hiện sự quan tâm chứ không phải thương hại. Đặc biệt, TPHCM cần thực hiện công tác chăm lo đúng ý nghĩa nhân văn, không được để sự lợi dụng xảy ra.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng đã xây dựng chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người dân. UBND thành phố đã giao Đại học Sư phạm TPHCM chủ trì, phối hợp với các lực lượng triển khai phần việc này.
"Sau dịch Covid-19, tâm lý nhiều người bị ảnh hưởng và cần một chiến lược chăm sóc sức khỏe tinh thần. Không chỉ dịch Covid-19, sang chấn tâm lý có thể xảy ra với bất kỳ ai trong một đô thị lớn, nhiều sự kiện, nhiều áp lực như TPHCM", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ.