Chủ tịch Quốc hội: Cần nghiên cứu gói vay "đủ lớn" xây nhà ở cho công nhân

Quang Phong

(Dân trí) - Phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đơn vị liên quan nghiên cứu gói cho vay tái cấp vốn với quy mô đủ lớn để xây nhà xã hội, nhà ở công nhân.

Phải có chính sách "an cư, lạc nghiệp"

Ngày 5/12, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, thời gian qua, các doanh nghiệp đã thể hiện ngoài việc kiên cường chống dịch, còn thể hiện trách nhiệm xã hội.

Cụ thể, các doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng chục nghìn cho công cuộc phòng chống dịch, đồng thời phải chăm lo cho người lao động của chính doanh nghiệp của mình. Theo ông Công, việc doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ dù chi phí tăng và hoàn toàn không có lợi nhuận đã tạo thu nhập cho người lao động.

Chủ tịch Quốc hội: Cần nghiên cứu gói vay đủ lớn xây nhà ở cho công nhân - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 (Ảnh: Quốc Chính).

Chủ tịch VCCI cho rằng, để người dân an tâm quay lại làm việc, trước mắt cần phải đảm bảo các điều kiện về sức khỏe, thu nhập cho người lao động. "Nếu không chăm sóc y tế cho người lao động, đảm bảo công ăn, việc làm, thu nhập thì họ không an tâm làm việc", ông Phạm Tấn Công chia sẻ.

Theo ông Công, vấn đề lâu dài cần phải có chính sách "an cư, lạc nghiệp" cho người lao động. Điều này có nghĩa là không thể để cho người lao động ở nhà chỉ vài mét vuông như hiện nay, bởi chỉ cần xảy ra dịch bệnh là họ bỏ đi hết.

"Ngay từ hôm nay, chúng ta phải xúc tiến chương trình bảo đảm chỗ ở cho người lao động. Bởi chỉ có an cư mới không xảy ra tình trạng hàng triệu người rời bỏ các đô thị, khu công nghiệp về quê như vừa rồi", ông Phạm Tấn Công nói và cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng làm nhà ở cho công nhân, nhưng cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp.

Về vấn đề "lạc nghiệp", theo ông Phạm Tấn Công là phải tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động. Để làm được điều này cần phải có chương trình quốc gia để đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động, giúp doanh nghiệp chuyển dịch chuỗi giá trị sản xuất để tạo thu nhập cao hơn cho người lao động.

Phát biểu từ đầu cầu Bắc Giang, ông Phạm Văn Thịnh - Trưởng Ban Dân vận tỉnh Bắc Giang - cho biết, khi dịch bệnh bùng phát vào cuối tháng 5 vừa qua trên bàn có khoảng 283.000 lao động. Khi các khu công nghiệp ở huyện Yên Dũng tạm dừng hoạt động, có khoảng 70.000 người lao động bị ảnh hưởng.

"Điều này gây áp lực rất lớn cho doanh nghiệp và tỉnh trong việc đảm bảo điều kiện ăn ở cho người lao động", ông Thịnh nói và cho biết, toàn bộ số tiền để đảm bảo sinh hoạt cho người lao động vào thời điểm đó hết khoảng 100 tỷ đồng, đều do nhân dân cả nước ủng hộ.

Ưu tiên nguồn lực nâng cao kỹ năng nghề

Dẫn Báo cáo "Tương lai việc làm" được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho biết, bất chấp tình hình kinh tế suy thoái hiện nay, phần lớn các nhà tuyển dụng đều nhận ra "giá trị của việc đầu tư vốn con người".

Chủ tịch Quốc hội: Cần nghiên cứu gói vay đủ lớn xây nhà ở cho công nhân - 2

Hội thảo thu hút nhiều ý kiến của các chuyên gia, khách mời (Ảnh: Quốc Chính).

WEF kêu gọi các Chính phủ ưu tiên nguồn lực và hành động quyết liệt để nâng cao kỹ năng nghề trong các kế hoạch khôi phục quốc gia sau đại dịch Covid-19. "Bởi việc đầu tư quy mô rộng vào đào tạo nâng cao kỹ năng có tiềm năng thúc đẩy GDP tăng thêm 0,5 - 2%, tương đương với 6,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030", ông Dũng thông tin. 

Trong khi đó, Việt Nam có 55 triệu lao động nhưng chỉ 24,6% có bằng cấp chứng chỉ. Chất lượng đào tạo nghề dù đã tăng 13 bậc vẫn xếp thứ 97/141 nước xếp hạng, còn khoảng cách rất xa so với các nước Đông Bắc Á và khu vực ASEAN. Tăng trưởng kinh tế khá cao song năng suất lao động vẫn rất thấp. 

"Chúng ta sẽ hết giờ tranh thủ cơ hội vàng nếu không tăng tốc đầu tư vào vốn con người, vào lao động có kỹ năng", ông Trương Anh Dũng nói.

Từ đó, ông Dũng đề xuất, trước mắt, cần đẩy nhanh đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động; kéo dài 1 - 2 năm nữa việc đào tạo nghề cho người thất nghiệp từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp; đặt hàng đào tạo dưới 1 năm để chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động.

Về trung hạn và dài hạn, cần phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở, linh hoạt, hiệu quả và hội nhập; chú trọng nâng cao dự báo nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo, từ đó xây dựng chiến lược dài hạn…

Khoảng 150.000 tỷ đồng cho 4 gói an sinh

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi, giai đoạn 2020 và 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến đời sống của người dân, việc làm người lao động, sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ kịp thời người dân, người lao động và doanh nghiệp, trong hai năm vừa qua chúng ta đã ban hành bốn gói an sinh xã hội, với tổng giá trị dự toán khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong đó, gói chính sách theo Nghị quyết 68 với dự toán là 26.000 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được 29.000 tỷ đồng. Gói theo Nghị quyết 116, với dự toán 38.000 tỷ đồng đã giải ngân gần 30.000 tỷ đồng. Trong tháng 12/2021 việc giải ngân sẽ cơ bản hoàn thành.

Ngoài ra, các địa phương còn có các gói chính sách đặc thù, như TPHCM dành 10.000 tỷ đồng; Khánh Hòa có chính sách đặc thù lên đến 396 tỷ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; đặc biệt là chương trình 2 triệu túi an sinh xã hội hỗ trợ người dân.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi cho biết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề nghị các địa phương hỗ trợ tiền điện, nước, giảm giá nhà trọ cho công nhân. Đề nghị các địa phương, ngành y tế tăng cường tiêm vaccine cho người lao động để họ an tâm làm việc và đảm bảo đi lại thông suốt. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và đào tạo lại lao động phục vụ tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng lao động phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần tăng năng suất lao động.

Phát biểu bế mạc diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đơn vị liên quan nghiên cứu gói cho vay tái cấp vốn với quy mô đủ lớn cho nhà xã hội, nhà ở công nhân như đã áp dụng trước đây. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phân bổ nguồn lực hợp lý vào lao động việc làm, hỗ trợ cho lao động quay trở lại làm việc, khắc phục đứt gãy về thiếu lao động. 

Về chương trình phục hồi thị trường lao động bền vững, ông Nguyễn Văn Hồi cho biết, các chính sách trọng tâm đó là tiêm mũi ba vaccine cho công nhân; đảm bảo đi lại trong nước, quốc tế thông suốt cho chuyên gia và người lao động; giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp, chế xuất; tăng quỹ giải quyết việc làm để phát triển kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã; tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho cơ sở xã hội; tăng cường kết nối cung cầu lao động theo hướng trực tuyến; có giải pháp chăm lo tết cho người nghèo và những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn…